Nguy cơ Mỹ tự cô lập mình khi "ra đòn" áp lực tối đa lên Iran
Choáng ngợp trước "thiết giáp hạm trên không" khổng lồ của Liên Xô / Kế hoạch táo bạo 400 tỷ USD tái thiết lại toàn bộ Indonesia
Theo New York Times, căng thẳng giữa Mỹ và Iran bắt đầu leo thang dồn dập sau khi tình báo Mỹ dường như sở hữu những bức ảnh cho thấy các tàu nhỏ của Iran chở tên lửa ở Vịnh Ba Tư. Mỹ quan ngại rằng Tehran có thể dùng các khí tài này tấn công vào lực lượng Mỹ và đồng minh ở khu vực.
Một số đồng minh của Mỹ tại châu Âu, Iraq, các nghị sĩ lưỡng đảng trong Quốc hội và một số quan chức cấp cao trong chính quyền cho rằng động thái này là đòn phòng thủ của Iran trước quan ngại rằng Washington có thể tấn công trước, 3 nguồn tin nói với New York Times.
Tuy nhiên, với những quan chức ủng hộ quan điểm cứng rắn với Iran như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đây lại là dấu hiệu cho thấy mối đe dọa từ Iran. Chính vì vậy, nhóm tàu tác chiến USS Abraham Lincoln đã được điều tới Trung Đông sớm hơn dự kiến. Mỹ cũng bắt đầu đưa hàng loạt khí tài quân sự tới khu vực gồm máy bay ném bom, đồng thời những nhân vật quan trọng trong chính quyền cũng bỏ ngỏ khả năng “động binh” với Iran.
Mặc dù vậy, theo Washington Post, những khái niệm gọi là “mối đe dọa” mới chỉ là tuyên bố từ phía Mỹ mà chưa có bằng chứng cụ thể. Ngay cả những bức ảnh, hay thông tin về tàu của Iran chở tên lửa vẫn chưa giải mật. Chính vì thế, các đồng minh dường như tỏ ra chưa thuyết phục với những cảnh báo dồn dập từ Mỹ về mối de dọa Iran.
Theo Washington Post, Anh - đồng minh thân thiết nhất của Mỹ - đã công khai phản đối viễn cảnh chiến tranh nổ ra giữa Washington và Tehran. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết London rất lo lắng vỡi viễn cảnh xảy ra xung đột tại khu vực, trong khi một cựu Tư lệnh lực lượng Hải quân Anh Alan West nói rằng một cuộc đối đầu giữa 2 lực lượng sẽ là “thảm họa thực sự”.
Trong khi đó, Tây Ban Nha ngày 13/5 tuyên bố rằng họ sẽ rút tàu hộ vệ ra khỏi nhóm tàu hải quân do Mỹ dẫn đầu đang tiến về vịnh Ba Tư. Madrid cho biết “chính phủ Mỹ đã đưa ra quyết định vượt ngoài khung thỏa thuận giữa họ và hải quân Tây Ban Nha”.
Còn người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini nói với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 12/5 rằng ông nên theo đuổi chính sách “kiềm chế tối đa, tránh mọi leo thang quân sự”.
Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow kỳ vọng Mỹ sẽ không tăng hiện diện quân sự tại khu vực để đối phó Iran vì Trung Đông đang “oằn mình” với rất nhiều cuộc xung đột vào lúc này.
Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Australia và Canada vẫn giữ im lặng. Ngay cả những nước Vùng Vịnh công khai đối đầu với Iran như Ả rập Xê út hay UAE cũng tỏ ra thận trọng với các phát ngôn liên quan tới các sự kiện diễn ra trong tuần qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất tới lúc này ủng hộ chính sách cứng rắn với Iran của chính quyền ông Trump.
Tuần trước, Mỹ điều tàu chiến và máy bay ném bom tới Trung Đông công khai “nắn gân” Iran. Vài ngày sau đó, các tàu chở dầu của UAE ở vịnh Ba Tư bị hư hại vì nghi do bị phá hoại. Tuy nhiên, phía quốc gia Vùng Vịnh không nêu đích danh quốc gia mà họ nghi vấn mà chỉ nói chung chung. Giới quan sát cho rằng, UAE đã có phản ứng rất khác so với những lần trước đó vì họ dường như không muốn căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao.
Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ quan ngại rằng sẽ tiếp tục có một cuộc xung đột khác nổ ra tại khu vực. Theo chuyên gia Ellie Geranmayeh từ Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế, các nước châu Âu nghĩ rằng “Mỹ đang ngồi ở phía bên kia đại dương, trong khi chúng ta ở ngay ngưỡng cửa Trung Đông”. Chính vì thế, họ rất thận trọng với vấn đề Iran và hầu hết đều không ủng hộ chiến tranh.
Rủi ro bị cô lập
Mỹ sở hữu nền quân sự mạnh số 1 thế giới ở thời điểm hiện tại. Họ từng sẵn sàng đi ngược lại với làn sóng dư luận về chính sách đối ngoại trước đó. Việc Washington đưa quân vào Iraq năm 2003 dựa trên những bằng chứng không rõ ràng về vũ khí hủy diệt hàng loạt từng bị cố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan chỉ trích là “phi pháp”.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến đó, Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ từ phía một số đồng minh. Anh, Australia hay Ba Lan vẫn gửi quân sang để hỗ trợ chiến dịch của Washington trong khi một số nước khác ủng hộ về mặt chính trị.
“Đến lúc này, người Mỹ đang đối mặt với khó khăn vì không thể thuyết phục được ngay cả Anh tham gia”, chuyên gia Ellie Geranmayeh nhận xét.
Mỹ tuyên bố rằng họ không có mục tiêu chiến tranh với Iran nhưng họ cũng không loại bỏ khả năng này nếu “lợi ích của Washington bị tấn công”.
Một số nhà phân tích cho rằng những đồn đoán về việc Mỹ có thể điều 120.000 quân tới đối phó với Iran trong những ngày qua, dù đã bị ông Trump bác bỏ, nhưng nó được cho là đòn tâm lý nhằm vào Tehran.
Các đồng minh của Mỹ quan ngại rằng chính họ có thể sẽ phải đón nhận rủi ro nếu căng thẳng nổ ra. Anh công khai cho rằng chỉ cần một sự hiểu lầm, một nước đi sai có thể “thổi bùng” căng thẳng quân sự.
Theo Washington Post, chính quyền Trump đã dành gần 2 năm thuyết phục châu Âu gia tăng áp lực tối đa lên Iran, nhưng các nước tại khu vực dường như có xu hướng ưa chuộng giải pháp hòa bình dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thông qua hiệp ước hạt nhân năm 2015 hơn. Mỹ hồi năm ngoái đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này và tiếp tục nối lại các trừng phạt Tehran.
End of content
Không có tin nào tiếp theo