Quốc tế

Siêu tăng Leopard 2 của Đức sắp được trang bị “khiên vô hình” Trophy

Đức vừa ký thỏa thuận liên chính phủ với Israel nhằm trang bị cho xe tăng Leopard 2 của nước này hệ thống phòng thủ chủ động Trophy do công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel phát triển.

Mỹ thử thành công vũ khí laser / Top 5 cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới

Thỏa thuận quan trọng giữa Đức và Israel

Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy công nghệ quân sự của Israel ngày càng thâm nhập sâu hơn vào châu Âu. Thỏa thuận cung cấp Hệ thống phòng thủ chủ động Trophy của Israel cho Đức được công bố vào ngày 23/2. Sau khi thỏa thuận nói trên được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz khẳng định: “Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến sự đánh giá cao của các cơ quan an ninh hàng đầu thế giới đối với công nghệ và sự đổi mới của Israel”.

Xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: Kmweb
Xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: Kmweb

Ông Benny Gantz ca ngợi hệ thống phòng thủ chủ động Trophy là công nghệ giúp bảo vệ mạng sống và là sự đột phá của ngành công nghiệp quốc phòng Israel. “Sự tin tưởng của Đức đối với hệ thống này đã chứng minh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia và nêu bật thế mạnh của ngành công nghiệp Israel”.

Đức là quốc gia tích cực ủng hộ Israel tại châu Âu còn Tel Aviv thời gian gần đây đã mua tàu hộ vệ tên lửa Sa’ar 6 Corvette và một số tàu ngầm của Đức. Ngoài Đức, Tel Aviv đã ký kết một loạt thỏa thuận liên chính phủ với các nước khác, trong đó có thỏa thuận mua máy bay trực thăng và máy bay tiếp dầu KC-46 của Mỹ, thỏa thuận bán hệ thống radar do hãng Elta phát triển cho Cộng hòa Séc và cho Slovakia.

Hệ thống Trophy đã bảo vệ cho xe tăng của Israel chống lại các mối đe dọa trong suốt 1 thập kỷ qua và cũng được triển khai đối với xe tăng Abrams của Mỹ kể từ năm 2019.

Đức dự tính trang bị hệ thống Trophy cho các xe tăng Leopard 2 của nước này. Việc nâng cấp này sẽ giúp xe tăng Đức có khả năng đối phó hiệu quả hơn trước các loại vũ khí chống tăng vác vai.

Kế hoạch sẽ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cục Quản lý phát triển cơ sở hạ tầng vũ khí và công nghệ (MAFAT) thuộc Bộ Quốc phòng Israel và công ty Rafael Advanced Defense Systems. Theo hợp đồng, Đức sẽ tiếp nhận hệ thống trong một vài năm tới và giai đoạn đầu sẽ trang bị cho một đại đội xe tăng. Israel cũng đang tích hợp hệ thống Trophy cho các đơn vị sẽ tăng của Mỹ và hy vọng thành công trong chương trình này có thể giúp họ có thêm nhiều thương vụ tiềm năng hơn.

 

Thiếu tướng Yaniv Rotem, người đứng đầu dự án nghiên cứu và phát triển quân sự của Bộ Quốc phòng Israel tin tưởng rằng hệ thống sẽ bảo vệ an toàn một cách tối đa và giúp các xe tăng chiến đấu chủ lực của Đức nâng cao khả năng chiến đấu.

Sức mạnh của hệ thống Trophy

Trophy được ví như “tấm khiên vô hình" bảo vệ các phương tiện thiết giáp trước tên lửa có điều khiển (ATGM) và đạn chống tăng. Hệ thống Trophy này gồm có các cảm biến, radar cảnh giới, một máy tính và tổ hợp đánh chặn. Radar của Trophy có thể rà soát khu vực 360 độ quanh phương tiện để phát hiện tên lửa và đạn chống tăng đang bắn tới.

Trophy có trình tự hoạt động gồm 3 bước. Đầu tiên, khi radar phát hiện một tên lửa đang bay tới máy tính của hệ thống sẽ tính toán quỹ đạo đường bay để xác định xem nó có tác động đến xe tăng hay không. Nếu nhận thấy nguy hiểm, hệ thống sẽ tự động xoay theo hướng mục tiêu và ra lệnh phóng các quả đạn kim loại để vô hiệu hóa mối đe dọa trước khi nó tiếp cận giáp chính của xe tăng. Hệ thống phòng thủ này có thể đưa ra phản ứng trong vòng 1 giây, thậm chí có thể hướng lên trên để đánh chặn các cuộc tấn công từ trên cao.

Câu chuyện thành công kéo dài 1 thập kỷ của hệ thống Trophy – một trong những công nghệ tiên tiến nhất của Israel, đã được quân đội các nước phương tây và nhiều nước thành viên trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ghi nhận. Trong nhiều năm qua, Israel đã đi tiên phong trên một số lĩnh vực, chẳng hạn như máy bay trinh sát không người lái, trí tuệ nhân tạo, điện quang học…. Việc chuyển giao hai khẩu đội hệ thống tên lửa đánh chặn Vòm Sắt (Iron Dome) cho Mỹ vào năm 2020 và đầu năm 2021, cùng hợp đồng bán hệ thống Trophy, cho thấy công nghệ quốc phòng của Israel đã đạt đến những đỉnh cao mới.

 

Radar của hãng Elta cũng là một phần của câu chuyện. Israel đã âm thầm xây dựng một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới và chế tạo nhiều cảm biến, radar ưu việt. Sở dĩ Israel có thể đạt được những tiến bộ này là bởi họ liên tục phải đổi mới để đối phó với những thách thức lớn, từ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran đến sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố.

Sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 và tiếp đó là cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006, Israel đã có nhiều bước chuyển mình trong lĩnh vực quân sự. Giờ đây, họ đang tìm cách làm chủ chiến trường bằng cách sử dụng công nghệ thay vì đối đầu với kẻ thù trong một cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”. Hệ thống Vòm Sắt giúp Israel chống lại các mối đe dọa từ tên lửa còn hệ thống Trophy giúp xe tăng của nước này không phải lo sợ trước các loại vũ khí chống tăng như trước đây.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm