Quốc tế

Siêu tàu sân bay Mỹ có nguy cơ bị “thất sủng”?

Hải quân Mỹ mới đây đã đề cập tới khả năng có thể sẽ giới hạn số lượng các siêu tàu sân bay lớp Ford ở mức 4 chiếc vào những năm 2030. Điều đó đang khiến người ta hoài nghi, phải chăng các siêu tàu sân bay lớp Ford vốn từng được kỳ vọng là “át chủ bài” đáng gờm của Hải quân Mỹ đang có nguy cơ bị “thất sủng”.

Tàu chiến Nga tạo 'gọng kìm' ép tàu sân bay của Pháp / Con số mới nhất về thiệt hại của tàu sân bay Nga sau hỏa hoạn

Tờ The Diplomat cho biết, Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch thực hiện một chương trình nghiên cứu về tương lai của các tàu sân bay đến năm 2030. Theo đó, bất kỳ đánh giá nào cũng phải tính đến chi phí, khả năng sống sót của các tàu sân bay cũng như “sự cần thiết duy trì một nền tảng công nghiệp đủ khả năng sản xuất số lượng tàu chiến cần thiết nhằm góp phần xây dựng lực lượng hải quân ưu việt và thống nhất vào năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Hải quân Mỹ đã đặt hàng 4 chiếc tàu sân bay lớp Ford gồm USS Gerald R. Ford, USS John F.Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller nhằm thay thế một số tàu sân bay lớp Nimitz. Sau nhiều lần bị trì hoãn vì các lý do kỹ thuật, chiếc đầu tiên là USS Gerald R. Ford đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2017. Trong khi đó, 3 chiếc còn lại dự kiến sẽ lần lượt được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào các năm 2024, 2028 và 2032.

Siêu tàu sân bay lớp Ford của Hải quân Mỹ USS Gerald R.Ford. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay lớp Ford được quảng cáo là sở hữu hàng loạt cải tiến về công nghệ, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành so với tàu sân bay lớp Nimitz. Theo đó, tàu sân bay lớp Ford sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (Electromagnetic Aircraft Launch System-EMALS) có trọng lượng nhẹ hơn và chiếm ít diện tích hơn, thay vì dùng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước như trước đây. Ưu điểm khác của EMALS là độ tin cậy cao, tiết kiệm năng lượng và cần ít nhân lực vận hành hơn. Khả năng phóng của EMALS nhanh hơn 25% so với hệ thống phóng bằng hơi nước. Các thay đổi về thiết kế boong tàu của tàu sân bay lớp Ford cũng giúp tăng số lần xuất kích của máy bay. Theo trang Market Watch, các ra-đa tân tiến còn giúp tàu sân bay lớp Ford cùng các máy bay trên tàu phát đi tín hiệu cực mạnh trong khi vẫn duy trì trạng thái tàng hình, qua đó nâng cao đáng kể hiệu quả tác chiến.

Trên thực tế, với việc chiếc USS Gerald R. Ford có chi phí sản xuất không ngừng bị đội lên mức kỷ lục và liên tiếp gặp trục trặc kỹ thuật sau khi được bàn giao đã khiến người ta không khỏi hoài nghi, phải chăng chương trình siêu tàu sân bay lớp Ford của Hải quân Mỹ không hề “đáng đồng tiền bát gạo” như từng được quảng bá. Theo trang Popular Mechanics, USS Gerald R. Ford đã gặp phải một loạt vấn đề với hệ thống phóng và thu hồi máy bay. Việc cắt giảm số lượng thủy thủ và chi phí để vận hành USS Gerald R. Ford cũng không như mong muốn của Hải quân Mỹ. “Điều này đặt ra một câu hỏi hiển nhiên là liệu có đáng để phát triển một chiếc tàu hoàn toàn mới với công nghệ mới chưa từng được thử nghiệm hay không?”, trang Popular Mechanics nêu vấn đề.

Ngoài vấn đề kỹ thuật và công nghệ, chương trình siêu tàu sân bay lớp Ford của Hải quân Mỹ còn phải đối mặt với hai vấn đề khác. Vấn đề đầu tiên, theo Popular Mechanics, là ngân sách đóng tàu của Hải quân Mỹ về cơ bản không thay đổi trong khi lực lượng này còn phải thực hiện mục tiêu phát triển hạm đội tàu chiến từ hơn 290 chiếc hiện nay lên hơn 350 chiếc vào năm 2030 cũng như đầu tư cho chương trình phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia mới, trị giá hơn 100 tỷ USD. Chính điều này đã tạo ra sức ép với việc mua sắm các tàu sân bay vốn “ngốn” nhiều ngân sách nhất của Hải quân Mỹ. “Mọi người đều nhất trí rằng, sở hữu các tàu sân bay lớn là điều tốt. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách cho phép, Hải quân Mỹ có thể tiếp tục mua các tàu sân bay lớp Ford sau USS Doris Miller. Nhưng nếu ngân sách hạn hẹp, Hải quân Mỹ có thể được trang bị thêm các tàu sân bay nhỏ hơn, từ đó đặt dấu chấm hết cho các siêu tàu sân bay lớp Ford”, trang Popular Mechanics nhận định. Vấn đề thứ hai là sự phổ biến của các loại vũ khí chống tàu sân bay có khả năng sát thương ngày càng lớn. Theo Popular Mechanics, tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc-vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, hay tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga đều “có thể gây hư hại nghiêm trọng hoặc thậm chí đánh chìm một tàu sân bay”.

Có lẽ vì thế, theo tờ Business Insider, Hải quân Mỹ đã thừa nhận “có trách nhiệm xem xét loại tàu nào sẽ thay thế các siêu tàu sân bay lớp Ford” và “chắc chắn đang nghĩ về các lớp tàu khác”.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm