Quốc tế

Sự thật về tiêm kích MiG-25 Liên Xô chuyên diệt oanh tạc cơ siêu thanh

Tiêm kích MiG-25 được Liên Xô chế tạo nhằm đối phó các dự án máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ như B-58 Hustler hay B-70 Valkyrie.

Tàu đổ bộ trực thăng đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu chạy thử nghiệm / Quân đội Nga nhận thêm pháo tự hành 2S19M2 Msta-S nâng cấp

MiG-25 (NATO gọi là Foxbat) là một trong những chiến cơ đáng sợ nhất nhưng cũng “bị hiểu nhầm” nhiều nhất thời Chiến tranh Lạnh. Được cho là chế tạo nhằm tiêu diệt máy bay ném bom siêu thanh,máy bay do thám tốc độ cao của Mỹ, Foxbat cũng có lợi thế về tốc độ trong vai trò máy bay trinh sát và cả tiêm kích ném bom dù ít hiệu quả hơn một chút.

su that ve tiem kich mig-25 lien xo chuyen diet oanh tac co sieu thanh hinh 1
MiG-25 Foxbat. Ảnh: Wikimedia

Foxbat có tiềm năng trở thành trụ cột chính trên thị trường xuất khẩu toàn cầu, từng phục vụ trong không quân của hàng chục nước và cũng từng tham chiến ở Lebanon, Nội chiến Syria, Chiến tranh Karhil, chiến tranh Iran-Iraq, Chiến tranh Vùng Vịnh và Nội chiến Libya. Vậy lý do gì khiến Foxbat thất bại?

Những thông số ấn tượng, còn nhược điểm được “giấu kỹ”

MiG-25 là chiếc máy bay cực kỳ ấn tượng: khả năng bay với tốc độ trên Mach 3 và hoạt động ở tầm cao mà hiếm có chiếc máy bay nào cùng thời có thể đạt được. Các thông số hoạt động vô cùng đáng nể của Foxbat sớm được chứng minh khi đầu năm 1965, các nguyên mẫu đã phá kỷ lục thế giới về tốc độ, quá trình leo dốc và tầm hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông số cực kỳ ấn tượng đó, Foxbat cũng có những vấn đề nghiêm trọng. Nó thiếu tính cơ động, đặc biệt là khi hoạt động ở tầm thấp.

Phần lớn khung thân MiG-25 được chế tạo từ hợp kim thép nickel, khiến trọng lượng của nó quá nặng. Động cơ của MiG-25 khiến nó có thể đạt tốc độ Mach 3,2, nhưng nếu bay ở tốc độ này, chiếc máy bay sẽ hỏng hoàn toàn. Do đó, tốc độ thực tế của nó chỉ ở mức Mach 2,8. Các phiên bản mới nhất của MiG-25 cũng không có hệ thống radar look-down/shoot-down (radar phát hiện, theo dõi, khóa, ngắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn của radar), một bất lợi đáng kể đối với một chiếc máy bay đánh chặn được thiết kế nhằm săn tìm và tiêu diệt các máy bay ném bom của Mỹ.

Các nhược điểm của Foxbat được nhìn thấy rõ hơn sau khi một phi công Liên Xô bỏ trốn sang Nhật Bản cùng một chiếc MiG-25 vào tháng 9/1976. Nhật Bản đã giao chiếc máy bay này cho Mỹ. Phía Mỹ đã tháo rời, kiểm tra nghiên cứu MiG-25 trong một thời gian dài.

Sau cuộc điều tra, Mỹ nhận ra rằng, Foxbat là một chiếc máy bay đánh chặn và không được chế tạo như một chiếc tiêm kích ưu thế trên không và các khả năng của nó không ấn tượng như những gì người ta đã nói.

Nếu Liên Xô có được những thông tin tình báo tốt hơn về chương trình phát triển máy ném bom của Mỹ, họ có thể đã quyết định không đổ quá nhiều chi phí vào việc sản xuất số lượng lớn MiG-25, mà thay vào đó là tập trung vào những chiếc tiêm kích đa nhiệm có chi phí rẻ hơn. Điều này, theo một tác động kiểu domino, có thể đã có những thay đổi lớn đối với lịch sử không chiến thế giới.

Tiêm kích đánh chặn đa nhiệm

Liên Xô từng sản xuất hơn 1.000 chiếc Foxbat và khoảng 80-90% trong số đó phục vụ trong Không quân của nước này với nhiều vai trò khác nhau. Nếu không có MiG-25, Liên Xô sẽ phải dùng đến những chiếc máy bay khác để thực hiện nhiệm vụ tiêm kích, tiêm kích-ném bom, trinh sát và các nhiệm vụ đánh chặn.

Các nhiệm vụ tiêm kích, tiêm kích-ném bom có thể được thực hiện với MiG-21, MiG-23 và Su-17 có hiệu quả tương đương. Nhiệm vụ đánh chặn có thể do Tu-28 tiến hành - một chiếc máy bay tầm xa có kích cỡ khá lớn nhưng tốc độ lại không nhanh như MiG-25 nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ trong nhiều điều kiện khác nhau.

su that ve tiem kich mig-25 lien xo chuyen diet oanh tac co sieu thanh hinh 2
Tiêm kích MiG-25 được Liên Xô chế tạo nhằm đối phó các dự án máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ như B-58 Hustler hay B-70 Valkyrie. Ảnh: theaviationgeekclub

Đóng góp chính trên thực tế của Foxbat là ở các nhiệm vụ trinh sát, nhiệm vụ mà ở tốc độ cao, hoạt động tầm cao khiến nó gần như không thể bị tổn thương để bảo vệ.

Vấn đề lớn của Foxbat chính là nhiệm vụ theo thiết ban đầu của nó là tiêu diệt oanh tạc cơ siêu thanh của đối phương đã không còn ngay từ khi chiếc máy bay đi vào phục vụ trong quân đội.

Lo ngại về các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm cao của Liên Xô, Mỹ đã hủy bỏ chương trình máy bay ném bom chiến lược B-70 Valkyrie và loại biên máy bay ném bom siêu thanh B-58 Hustler ở giai đoạn rất sớm.

Thay vì tập trung vào đặc tính nhanh và cao, những chiếc máy bay ném bom của Mỹ lại thâm nhập Liên Xô ở tầm thấp với tốc độ chậm - một cách tiếp cận mà Foxbat sẽ ở thế yếu khi đối đầu.

Sai lầm may mắn của Mỹ?

 

Foxbat hiếm khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong thời gian biên chế, nhưng nó từng xuất hiện ở một số vùng xung đột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và cả giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh.

MiG-25 hoạt động tương đối hiệu quả trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trong Chiến tranh Iran-Iraq, dù chúng phải chịu thua trước F-14 của Iran.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh, MiG-25 từng hạ một chiếc F/A-18 của Hải quân Mỹ. Một chiếc Foxbat khác cũng từng tiêu diệt UAV Predator của Mỹ năm 2002. Trong nhiệm vụ trinh sát, Foxbat chứng minh được hiệu quả với Không quân Ấn Độ trong các cuộc xung đột kéo dài với Pakistan.

Ở Liên Xô, Foxbat dẫn tới việc phát triển MiG-31 Foxhound, một chiếc tiêm kích đánh chặn hiệu quả hơn. Với các hệ thống radar hiện đại hơn, vật liệu chế tạo tốt hơn, Foxhound ngày nay vẫn tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Không quân vũ trụ Nga.

Tuy nhiên Foxbat có một tác động vượt ra ngoài phạm vi Liên Xô, vượt xa hơn cả những đóng góp của nó trong tác chiến, và thậm chí vượt xa hơn cả chính những thông số vượt trội của nó.

 

Chính sự lo ngại về khả năng biến đổi tiềm tàng của Forbat đã thúc đẩy chương trình phát triển tiêm kích ở Mỹ. Các thông tin tình báo về Foxbat cho thấy nó có thể dễ dàng loại những chiếc tiêm kích hiện tại của phương Tây (ở thời điểm đó), nhưng những nhược điểm của nó lại ít được biết đến.

Chính vì điều này, Mỹ đã đánh giá lại chương trình F-X (được thiết kế nhằm thay thế các tiêm kích F-4 và seri Century), thay đổi chương trình tiêm kích chiến thuật mà sau cho ra đời F-15 Eagle.

F-15 thực ra được chế tạo nhờ một sai lầm, nhưng hóa ra đây lại là một sai lầm vô cùng may mắn của Mỹ.

Nếu Foxbat chưa bao giờ bị đưa ra ánh sáng, F-15 có thể chỉ được chế tạo với phiên bản trung tính, ít hiệu quả và độ bền kém hơn so với hiện nay. F-15 Eagle cuối cùng trở thành một chiếc tiêm kích vượt trội trên không chính là vì nó được thiết kế nhằm tiêu diệt một chiếc tiêm kích của Liên Xô mà sự ưu việt của nó chỉ tồn tại trong tưởng tượng của giới tình báo phương Tây.

Ngày nay, chỉ còn Không quân Algeria sử dụng MiG-25 với số lượng không được xác định. Foxbat từng hoạt động ở Libya và Syria trong mấy năm qua, nhưng đem lại sự hiếu kỳ hơn là khả năng thực sự.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm