Quốc tế

Tác chiến điện tử - bí mật trong xung đột Nga - Ukraine

Tác chiến điện tử là một khía cạnh quan trọng nhưng hầu như ít được nhắc đến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Và năng lực của Nga cũng như Ukraine trong lĩnh vực này vẫn là ẩn số.

'Bất kỳ sự xâm phạm nào của NATO vào Crimea đều có thể châm ngòi Thế chiến 3' / Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia

Trên chiến trường Ukraine, chỉ cần một hành động đơn giản như bật nguồn điện thoại di động có thể báo hiệu một cuộc tấn công dữ dội sẽ xảy ra. Radar chống pháo binh và hệ thống điều khiển từ xa dành cho máy bay không người lái cũng có thể gây ra những trận “mưa bom, bão lửa”.

tac chien dien tu - bi mat trong xung dot nga - ukraine hinh anh 1
Tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 của quân đội Nga. Ảnh: Interesting Engineering.

Vũ khí lợi hại

Đó là một phần của tác chiến điện tử, một khía cạnh quan trọng nhưng hầu như ít được nhắc đến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các chỉ huy trên chiến trường phần lớn tránh thảo luận về vấn đề này do lo sợ nếu bí mật bị lộ sẽ gây nguy hiểm cho các hoạt động quân sự của họ.

Tác chiến điện tử là phương thức sử dụng công nghệ nhắm vào hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị và dẫn đường để xác định vị trí, làm mù hoặc đánh lừa đối phương và giáng đòn sát thương trực tiếp. Nó được sử dụng để chống lại pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái cùng nhiều loại vũ khí khác. Quân đội cũng có thể sử dụng phương thức này để bảo vệ các lực lượng của họ.

Đây là lĩnh vực mà Nga được cho là có lợi thế vượt trội so với Ukraine trong cuộc xung đột bởi từ trước đến nay, Nga vẫn được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực tác chiến điện tử. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, năng lực tác chiến điện tử của Nga hầu như không được phát huy trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự khi Moscow tiến đánh thủ đô Kiev cùng các thành phố phía Bắc Ukraine.

Tuy vậy, sang giai đoạn hai của cuộc chiến, khi Moscow tập trung nỗ lực “giải phóng” khu vực Donbass – miền Đông Ukraine, phương thức này đã trở thành một yếu tố quan trọng hơn nhiều trong bối cảnh các tuyến đường tiếp tế trở nên ngắn hơn và thuận tiện hơn, cho phép Nga di chuyển nhiều thiết bị điện tử đến gần chiến trường.

 

Một thành viên của Aerorozvidka - đội đặc nhiệm trinh sát chuyên tác chiến bằng máy bay không người lái của Ukraine cho biết: "Họ đang gây nhiễu mọi hệ thống mà họ có thể tiếp cận được. Chúng tôi chưa thể nói họ đang ở thế thống trị (về tác chiến điện tử) nhưng họ cản trở chúng tôi rất nhiều".

Theo một quan chức tình báo của Ukraine, “Nga đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng khi làm gián đoạn nỗ lực do thám và liên lạc của các chỉ huy với quân đội”. Quan chức này cho rằng, Moscow đã “gây nhiễu” máy thu GPS trên những máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí và bắn pháo vào mục tiêu của đối phương.

Cạnh tranh khốc liệt

Hiện rất khó để đánh giá năng lực tác chiến điện tử của Nga. Các nhà phân tích nhận định, năng lực này đã được cải thiện rõ rệt kể từ sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Tuần trước, Nga tuyên bố đã phá hủy một trung tâm tình báo điện tử của Ukraine ở thị trấn Dniprovske, miền Đông Nam nước này.

Nhiều đồng minh của Mỹ trước đó đã tỏ ra lo ngại về khả năng tác chiến điện tử hiệu quả của Nga. Báo cáo từ một tổ chức tư vấn của Estonia nhận định rằng, công nghệ của Nga sẽ "đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với việc lập kế hoạch và thực hiện đúng đắn các hoạt động phòng thủ của NATO nhằm bảo vệ các quốc gia Baltic".

 

tac chien dien tu - bi mat trong xung dot nga - ukraine hinh anh 2
Hệ thống tác chiến điện tử Palantin-K EW của Nga. Ảnh: AP

Về phần mình, Ukraine đã nỗ lực phát triển năng lực tác chiến điện tử trong những năm qua. Điều này bao gồm sử dụng các thiết bị liên lạc được mã hóa của Mỹ để đạt lợi thế chiến thuật. Lực lượng Aerorozvidka đã sửa đổi những máy bay không người lái được trang bị camera để xác định vị trí của đối phương, hoặc thả lựu đạn, bẻ khóa phần mềm để vô hiệu hóa thiết bị điện tử của đối phương hoặc thu thập thông tin tình báo.

Ukraine cũng đã tận dụng công nghệ tác chiến điện tử và thông tin tình báo của phương Tây trên chiến trường. Bên cạnh đó, Kiev còn dựa và những thiết bị gây nhiễu mà Mỹ và Anh cung cấp. Quân đội Ukraine cho biết, họ đã đạt được một số thành công trong việc chống lại nỗ lực tác chiến điện tử của Nga, trong đó có việc thu giữ một số thiết bị quan trọng và phá hủy hai đơn vị tác chiến điện tử di động đa phương tiện.

Chiến tranh điện tử bao gồm 3 yếu tố cơ bản: Thăm dò, tấn công và bảo vệ. Đầu tiên, là thu thập thông tin tình báo bằng cách định vị các tín hiệu điện tử của đối phương. Tiếp đến là tấn công và gây nhiễu bằng “tiếng ồn trắng” nhằm làm vô hiệu hóa và suy giảm khả năng của các hệ thống của đối phương, trong đó có hệ thống thông tin liên lạc qua radio, điện thoại di động, hệ thống phòng không và radar pháo binh. Cuối cùng là đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn khiến đối phương bắn trượt mục tiêu.

Ông Laurie Buckhout, cựu chỉ huy tác chiến điện tử của quân đội Mỹ cho biết: “Hoạt động trên chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu thực sự là điều khó khăn. Những thiết bị gây nhiễu có thể “làm mù” máy bay một cách nhanh chóng và sẽ rất nguy hiễm nếu bạn bị mất GPS hoặc radar khi đang điều khiển máy bay chiến đấu bay với tốc độ hơn 900 km/h”. Hiện, chiến sự tại miền Đông Ukraine đang diễn ra rất ác liệt và khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái của đối phương hiện giờ đóng vai trò vô cùng quan trọng với mỗi bên. Bởi điều này sẽ giúp ích cho các lực lượng pháo binh mà họ triển khai trên chiến trường.

James Stidham, một chuyên gia bảo mật truyền thông và là tư vấn viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết: “Đây là một lĩnh vực cực kỳ phức tạp vì nó phụ thuộc nhiều vào các công nghệ tiên tiến, và thành tựu thu được có thể bị sao chép hoặc xóa bỏ rất nhanh”. Tất cả những điều này cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo bí mật tuyệt đối trong một cuộc chiến tranh điện tử.

 

Trong bối cảnh hiện nay, lợi thế trong một cuộc chiến sẽ thuộc về quốc gia nào nắm bắt được các công nghệ quân sự hiện đại, tiên tiến, sở hữu vũ khí mạnh với độ chính xác, hiệu quả cao. Vì thế, tác chiến điện tử đã đóng một vai trò thiết yếu và được coi là “nắm đấm vô hình” trên chiến trường hiện đại.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm