Quốc tế

Thuê vũ khí, trang bị - Chính sách linh hoạt của Ấn Độ

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ phải cắt giảm vào năm 2021, Ấn Độ đã chuyển sang phương án thuê vũ khí, trang bị từ nước ngoài. Đây là một chính sách linh hoạt, vừa giúp Ấn Độ tiết kiệm chi phí, vừa có trang thiết bị vũ khí hiện đại để bổ sung sức mạnh cho lực lượng quân đội.

Vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ và kịch bản bất ổn hơn cho thế giới / Những “khắc tinh” tương lai của tàu sân bay

Theo Sputnik, năm 2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thay đổi chính sách mua sắm quốc phòng, mở đường cho việc thuê trang thiết bị quân sự từ nước ngoài. Vài tháng gần đây, New Delhi đã thuê máy bay không người lái và súng máy trang bị cho tàu chiến từ Washington. Không chỉ vậy, để tiết kiệm ngân sách, Bộ Quốc phòng Ấn Độ có ý định nâng cấp 6 máy bay chở khách Airbus A320 (trước đây do Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ-Air India vận hành) thành máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW & C). Các hoạt động nâng cấp và thuê vũ khí, trang thiết bị này nằm trong Kế hoạch mua sắm quốc phòng của Ấn Độ, có hiệu lực từ tháng 10-2020. Các chuyên gia đánh giá sự thay đổi chính sách linh hoạt như vậy là một giải pháp ngắn hạn để New Delhi bù lấp những khoản thiếu hụt về vũ khí, trang thiết bị một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Ấn Độ dự kiến sẽ thuê thêm nhiều máy bay từ nước ngoài. Ảnh: AP.

Laxman Kumar Behera, Phó giáo sư tại Trung tâm đặc biệt nghiên cứu về an ninh quốc gia thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, nhận định cuộc khủng hoảng ở phía đông Ladakh và nhu cầu lấp đầy những khoản thiếu hụt về vũ khí trang bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống đặc biệt đã thúc đẩy Ấn Độ tăng cường thuê một số vũ khí của Mỹ thời gian gần đây.

Hiện tại, Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 200 máy bay chiến đấu, đặc biệt là máy bay tiếp nhiên liệu trên không, trực thăng đa năng hạng nhẹ và máy bay huấn luyện. Ấn Độ đã mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp vào năm 2016, tuy nhiên số máy bay này chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu lớn về vũ khí của quốc gia Nam Á.

Trong khi đó, dịch Covid-19 tác động mạnh tới quốc gia 1,3 tỷ dân, buộc Chính phủ Ấn Độ phải thắt chặt các khoản chi tiêu về quốc phòng để ưu tiên đầu tư cho y tế. Theo nguồn tin Sputnik, một quan chức Chính phủ Ấn Độ từng chia sẻ rằng Bộ Quốc phòng nước này dự kiến sẽ cắt giảm hơn 30% ngân sách quốc phòng vào tháng 3-2021. “Ưu tiên của chính phủ đã có sự thay đổi lớn. Điều này không chỉ giới hạn trong năm nay. Y tế sẽ được ưu tiên, trong khi đầu tư cho quốc phòng sẽ phải thu hẹp lại”, quan chức này cho hay.

Cái khó ló cái khôn! Để vừa tiết kiệm chi phí, vừa có trang thiết bị vũ khí hiện đại phục vụ cho mục tiêu cấp thiết là bảo vệ an ninh quốc gia, Ấn Độ đã thuê các khí tài từ nước ngoài. Phương thức này được đánh giá là giải pháp hữu ích để New Delhi có thể sở hữu và vận hành khí tài hiện đại mà không cần tốn chi phí quá lớn cho mua sắm.

Tuy nhiên, việc thuê vũ khí không thể là giải pháp lâu dài mà chỉ có thể là phương án tạm thời trong giai đoạn nền kinh tế Ấn Độ đang chịu cú sốc từ đại dịch khiến ngân sách quốc phòng phải co hẹp lại. Rahul K Bhonsle, chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ nhận định: “Việc thuê vũ khí chỉ nên được sử dụng vì mục đích đánh giá vũ khí trước khi tiến hành mua lại, tránh trường hợp sở hữu các vũ khí, trang thiết bị chưa được kiểm tra an toàn. Về lâu dài, thuê vũ khí không phải lúc nào cũng có lợi về mặt tài chính. Do đó, quân đội Ấn Độ, quốc gia đang theo đuổi các mục tiêu chiến lược lâu dài, nên tận dụng thuê vũ khí như một giải pháp lấp khoảng trống tạm thời”.

 

Bên cạnh đó, theo phân tích của cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ Amit Cowshish, thuê vũ khí có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt máy bay chiến đấu của Ấn Độ nhưng nó cũng nảy sinh một số vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, không phải lúc nào cũng sẵn có lượng lớn máy bay theo nhu cầu cần thuê. Thứ hai, cần phải tính tới khả năng các phi công của IAF có thể vận hành trơn tru loại máy bay được thuê hay không. Do vậy, cần phải thuê loại máy bay mà các phi công từng vận hành hoặc đã quen thuộc, để họ có thể sử dụng mà không cần trải qua bất kỳ một khóa đào tạo thêm nào. Cuối cùng, dù việc thuê máy bay không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn ngay từ đầu giống như mua sắm, nhưng số tiền thuê và các chi phí bảo trì có liên quan khác cũng là một khoản đáng kể. Do đó, cần phải tính toán, cân đối số lượng vũ khí thuê để phù hợp với khả năng chi trả.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm