Quốc tế

Tiêm kích F-35 NATO chạm trán máy bay quân sự tối mật của Nga

Tiêm kích F-35 NATO đã có cuộc chạm trán vô cùng thú vị với máy bay tác chiến điện tử tối mật Il-22PP Porubshchik của Nga.

Dự báo kinh tế Mỹ giảm tăng trưởng / Tổ hợp phòng không mới Thổ Nhĩ Kỳ - đối thủ cạnh tranh với S-400 và Patriot

Tiêm kích F-35 NATO, cụ thể là của Không quân Ý đã ngăn chặn một trong những máy bay quân sự bí mật nhất của Nga, đây là cuộc chạm trán được đánh giá là vô cùng thú vị.

Theo thông tin được cung cấp, chiếc tiêm kích tàng hình của Ý đã ngăn chặn thành công một máy bay Il-22PP Porubshchik của Nga trên bầu trời Biển Baltic, phương tiện này thậm chí được cho là có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ tàu vũ trụ và vệ tinh nào.

Trong bức ảnh được đăng tải, dễ dàng xác định tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Ý và máy bay tác chiến điện tử Il-22PP Porubshchik của Nga. Cự ly tiếp cận giữa hai phi cơ chỉ vài chục mét, từ đó có thể tạo ra mối nguy hiểm.

Tuy nhiên sự kiện trên không phải mới diễn ra, thực chất đã từ ngày 29/7/2021, khi các máy bay chiến đấu của Không quân Ý được gửi đến Estonia để làm nhiệm vụ tuần tra bầu trời quốc gia vùng Baltic này.

Việc công bố hình ảnh vụ ngăn chạm vào thời điểm hiện tại theo đánh giá có liên quan đến căng thẳng giữa Nga và NATO. Trước đó, sự kiện tàu ngầm Nga đâm hỏng mảng sonar kéo của một khinh hạm Anh hồi năm 2020 cũng được thông báo.

Về nguồn gốc của Il-22PP Porubshchik, vào năm 2009, Viện thiết kế thử nghiệm mang tên V. M. Myasishchev nằm ở ngoại ô Moskva bắt đầu cải tiến 3 chiếc Il-22, biến chúng thành máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử.

Tới năm 2011, máy bay Il-22PP được trang bị hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới đã bay thử nghiệm. Sang năm 2016, chiếc Porubshchik chính thức được đưa vào biên chế Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của chiếc máy bay tác chiến điện tử tối mật này bao gồm: Tốc độ tối đa 675 km/h, trần bay 6.000 - 7.000 mét, tầm bay lớn nhất 6.500 km, hoạt động liên tục 12 giờ.

Porubshchik có phạm vi gây nhiễu tương đối rộng, nó chế áp được máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không, máy bay trinh sát, tiêm kích, hệ thống phòng không mặt đất (radar), trung tâm liên lạc và thậm chí cả hệ thống vũ khí của đối phương.

Các phương tiện nói trên đều có thể là đối tượng tác chiến của Il-22PP, miễn là sử dụng các module chức năng vô tuyến, khi đó chúng đều nằm trong phạm vi gây nhiễu của máy bay Porubshchik.

Cùng với đó, máy bay tác chiến điện tử Porubshchik sẽ không vô tình làm tổn thương hệ thống thông tin điện tử của lực lượng phía mình.

Trước khi thực hiện gây nhiễu, máy bay có thể xác định tần số nào là của đối phương và tần số nào là của bên mình thông qua quét điện tử có độ chính xác cao và gây nhiễu có chọn lọc.

Porubshchik có thể được coi là một trong những máy bay tác chiến điện tử mạnh nhất trên thế giới, nó thậm chí đủ sức chế áp cả tên lửa hành trình trong giai đoạn giữa, hay các kênh sửa đổi, liên kết dữ liệu chiến thuật thường được sử dụng bởi Quân đội Mỹ và các đồng minh NATO.

Không quân Nga tuyên bố rằng khả năng sống sót trên chiến trường của các máy bay chiến đấu trong biên chế đã tăng gấp đôi do việc sử dụng máy bay tác chiến điện tử Porubshchik.

Chưa rõ trong vụ chạm trán trên Không quân NATO có khai thác được bí mật nào từ chiếc máy bay tác chiến điện tử cực hiếm của Nga hay không.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm