Quốc tế

Trung Quốc, châu Phi có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?

Châu Phi và Trung Quốc được xem là đang nắm giữ những lợi thế đáng kể có thể khiến họ trở thành những trung gian hòa giải quan trọng giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Kho dự trữ tên lửa của Nga “khủng” cỡ nào? / “Cạm bẫy” chết chóc của Nga làm lộ điểm yếu của thiết giáp phương Tây

Trung Quốc, châu Phi có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vào ngày 17/6 về đề xuất của châu Phi nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine (Ảnh: AP).

Khi các nhà lãnh đạo châu Phi bước chân đến St Petersburg vào ngày 27/7 để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các biểu ngữ và pano xung quanh họ đánh dấu kỷ niệm mối quan hệ lịch sử giữa hai bên.

Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh đó, hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 bị phủ bóng bởi những căng thẳng về tình hình chiến sự ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 18.

Hồi tháng 6, Tổng thống các nước gồm Nam Phi, Senegal, Comoros và Zambia đã đến St Petersburg để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với bản kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm thuyết phục Ukraine và Nga bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Senegal Macky Sall sau đó nói rằng, họ đã đề nghị Tổng thống Putin "thể hiện mong muốn tiến tới hòa bình" trước hội nghị thượng đỉnh ở St Petersburg.

Tuy nhiên, một tháng sau, mọi việc còn tệ hơn khi Tổng thống Putin quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, vốn cho phép xuất khẩu lúa mì và ngô của Ukraine qua đường biển, những mặt hàng mà nhiều quốc gia châu Phi rất cần.

 

Trong khi đó, cách St Petersburg khoảng 6.000km về phía đông nam, tại Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đã thảo luận về một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm mà họ cho rằng có thể giúp chấm dứt chiến tranh Nga và Ukraine.

Nhưng cũng tương tự các nhà lãnh đạo châu Phi, các động thái của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể giúp hai bên ngồi vào bàn đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng.

Khi lần đầu tiên được công bố, các kế hoạch hòa bình của châu Phi và Trung Quốc đã thu hút sự chú ý toàn cầu vào thời điểm mà cả thế giới mong muốn về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang gia tăng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, tình trạng thiếu lương thực và lạm phát tăng cao.

Với việc phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cơ hội cho các quốc gia và liên minh từ Nam bán cầu nổi lên như những nhà trung gian hòa bình tiềm năng đã phát triển mạnh mẽ, có khả năng lật ngược kịch bản về trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Nhưng liệu châu Phi hay Trung Quốc có cơ hội giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine? Họ muốn chấm dứt xung đột đến mức nào? Liệu Nga và Ukraine có thực sự quan tâm đến việc hợp tác với họ để hướng tới một giải pháp hòa bình?

 

Câu trả lời là có thể không có đàm phán hòa bình nào trong tương lai gần. Cả Ukraine và Nga đều không sẵn sàng đàm phán và dường như có rất ít cơ sở chung để bắt đầu đối thoại.

Kết quả là các sáng kiến của Trung Quốc và châu Phi lúc này tỏ ra không hiệu quả. Tuy nhiên, cuối cùng, các cuộc thảo luận thực sự sẽ cần phải diễn ra, theo các nhà phân tích.

Và khi các bên sẵn sàng đàm phán, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga và tính trung lập tương đối của châu Phi có thể khiến họ trở thành trung gian hòa giải giữa Kiev - Moscow một cách hiệu quả.

Kế hoạch của châu Phi "khó thành hiện thực"

Còi báo động hàng không đã rú lên inh ỏi tại Kiev, khiến các phái đoàn hòa bình của Nam Phi, Senegal, Comoros và Zambia chạy vội vào hầm tránh bom.

 

Dẫn đầu phái đoàn là Tổng thống của 4 quốc gia này đã đến Kiev vào tháng 6 để nói chuyện với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelenskyy về kế hoạch mang lại hòa bình cho đất nước của ông. Các tên lửa tấn công thủ đô Ukraine khi họ đang đến thăm là bối cảnh cho các cuộc đàm phán đó.

Ngoài một số đề xuất rộng rãi, như cả hai bên cần lắng nghe nhau, kế hoạch hòa bình 10 điểm của châu Phi cũng đưa ra một số điểm cụ thể. Những điều này bao gồm việc cả Nga và Ukraine đều phải công nhận chủ quyền của các quốc gia được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và các bước mà cả hai bên phải thực hiện để trả tự do cho các tù nhân chiến tranh.

Trung Quốc, châu Phi có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine? - 2

(Từ trái sang phải) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và lãnh đạo các nước châu Phi gặp nhau tại Kiev vào ngày 16/6 (Ảnh: AP).

Kế hoạch này cũng nêu rõ ràng rằng, các chuỗi cung ứng ở Biển Đen sẽ được mở cửa cho thương mại, một điểm càng trở nên rõ ràng hơn khi Nga tăng cường tấn công các cảng Odesa và Chornomorsk, nơi Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

Trong cuộc họp báo với các nhà lãnh đạo trong phái đoàn gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema và Tổng thống Comoros Azali Assoumani, nhà lãnh đạo của Ukraine đã gián tiếp bác bỏ đề xuất hòa bình của họ.

 

Ông Zelenskyy khẳng định rằng, Kiev sẽ chỉ tham gia bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào sau khi Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine.

Từ Kiev, các nhà lãnh đạo châu Phi bay tới St Petersburg để gặp Tổng thống Putin.

"Cuộc chiến này phải có hồi kết… Nó phải được giải quyết thông qua đàm phán và thông qua các biện pháp ngoại giao", Tổng thống Ramaphosa nói.

Ông Putin ca ngợi những người đồng cấp châu Phi về "cách tiếp cận cân bằng" nhưng ngắt lời khi họ đang phát biểu để gợi ý rằng các đề xuất của họ là sai lầm.

Đặc biệt, ông có vẻ phản đối quan điểm cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về việc tăng giá lương thực toàn cầu vào năm 2022, nhấn mạnh với phái đoàn rằng, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen đã được phép kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết và phần lớn đã được chuyển đến các nước giàu có.

 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov được các hãng thông tấn Nga dẫn lời sau cuộc họp ở Moscow nói rằng, kế hoạch hòa bình của châu Phi sẽ "khó thành hiện thực".

Liệu Nga và Ukraine có thể thay đổi quan điểm của họ?

Theo ông Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Nga-Châu Phi tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi có trụ sở tại Johannesburg, để điều đó xảy ra, các quốc gia châu Phi cần nhìn xa hơn đề xuất hòa bình mà họ đang đưa ra.

Chiến tranh đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến lục địa châu Phi. Trước chiến tranh, các quốc gia châu Phi đã nhập khẩu hơn một nửa tổng số lúa mì từ Nga hoặc Ukraine. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, châu Phi bị thiếu hụt 30 triệu tấn lúa mì. Với việc thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen sụp đổ, cuộc khủng hoảng lương thực đó có thể còn nghiêm trọng hơn.

Nỗ lực của Trung Quốc cũng gặp khó

 

Nếu tránh xa cuộc xung đột là con át chủ bài mà các quốc gia châu Phi có thể đưa ra để đàm phán, thì Trung Quốc đưa ra một cam kết khác với những người đang tìm cách thuyết phục Nga chấm dứt chiến tranh.

Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng của Nga, và đang việc tăng mạnh mua dầu và các hoạt động thương mại khác bất chấp chiến sự.

Sau nhiều tháng thuyết phục các quốc gia châu Âu sử dụng ảnh hưởng để kêu gọi Tổng thống Putin rút quân khỏi Ukraine, Trung Quốc đã tiết lộ một kế hoạch hòa bình vào tháng 3

Điều đó xảy ra sau một bước đột phá mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran, do Trung Quốc đứng trung gian, trong đó nhấn mạnh mong muốn ngày càng tăng của Bắc Kinh là nắm vai trò lãnh đạo giải quyết xung đột toàn cầu.

Trung Quốc cũng đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Israel - một đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh - và Palestine, thậm chí còn tiếp đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào tháng 6.

 

Nhưng không giống như những nỗ lực này, kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến Ukraine rất rộng, mơ hồ khi kêu gọi Nga-Ukraine từ bỏ "tâm lý chiến tranh lạnh", chấm dứt chiến sự và nối lại đàm phán hòa bình.

Có lẽ những điểm hợp lý, nhưng những lập luận khó thuyết phục để hai quốc gia bị mắc kẹt giữa một cuộc chiến tranh tàn khốc phải hạ vũ khí.

Điều đó không có gì bất ngờ, theo một số nhà phân tích. Theo Niva Yau, một thành viên không thường trú tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, các sáng kiến hòa bình khác mà Bắc Kinh đã thúc đẩy phần lớn là hợp cho các cuộc xung đột lâu dài hơn.

Trung Quốc, châu Phi có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine? - 3

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ hai bên trái) và ông Li Hui, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu (thứ hai bên phải), trong cuộc gặp tại Moscow, Nga hôm 26/5 (Ảnh: AP).

Cũng như đối với các nước châu Phi, Ukraine không coi Trung Quốc là quốc gia trung lập trong cuộc xung đột.

 

Kiev vẫn duy trì các kênh liên lạc ngoại giao với cả Trung Quốc và các nhà lãnh đạo châu Phi kể từ khi các phái đoàn của họ đến thăm Kiev, nhưng hiện tại đã từ chối các lộ trình hòa bình của họ.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã gặp ông Li Hui, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu và cựu đại sứ tại Nga, vào tháng 5 và nhấn mạnh rằng Ukraine không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc hạ vũ khí.

Kiev cũng đã bác bỏ các đề xuất khác từ các quốc gia Nam bán cầu, bao gồm đề xuất của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva về một "câu lạc bộ hòa bình" bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latinh khác với tư cách là thành viên tiềm năng.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm