Trung Quốc tiếc nuối tiêm kích hạm độc đáo nhưng bị lãng quên của Nga
Tàu ngầm AIP tối tân Thổ Nhĩ Kỳ có thể 'xuyên thủng' vùng kiểm soát của Nga ở Biển Đen? / Tàu ngầm hạt nhân mới của Nga khiến các chuyên gia quân sự Mỹ 'thở dài ngao ngán'
Các nhà phân tích của cổng thông tin Trung Quốc Sohu đã nhắc lại chiếc tiêm kích hạm độc đáo Su-33KUB thuộc thế hệ thứ tư của Hải quân Nga hiện đã bị lãng quên. Chuyến bay đầu tiên của nó diễn ra vào ngày 29/4/1999 tại sân bay Zhukovsky gần Moskva.
Máy bay được đưa lên bầu trời bởi phi công thử nghiệm danh tiếng Viktor Pugachev và Sergey Melnikov, cũng chính họ đã lần đầu tiên hạ cánh chiếc Su-33KUB trên boong tàu sân bay huyền thoại mang tên Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov.
Su-33KUB được tạo ra trên cơ sở tiêm kích hạm Su-33. Tuy nhiên máy bay mới cũng có một đặc điểm phân biệt rất quan trọng, đó là nó được điều khiển bởi phi hành đoàn hai người và việc bố trí chỗ ngồi song song cho hai phi công.
Cách bố trí này không phải là tiêu chuẩn cho các phương tiện huấn luyện chiến đấu vì thường hai phi công sẽ ngồi trước - sau, nhưng thiết kế của Su-33KUB lại giúp cải thiện sự tương tác của các phi công trong suốt chuyến bay và mang lại khả năng chuyển tiếp tốt hơn.
Su-33KUB giúp phi công có tầm nhìn từ dưới lên tốt hơn so với máy bay huấn luyện chiến đấu truyền thống, điều này rất quan trọng để hạ cánh trên boong tàu sân bay. Ngoài ra một màn hình LCD màu xuất hiện trên bảng điều khiển là rất đáng ghi nhận tại thời điểm nó ra đời.
Tiêm kích hạm Su-33KUB giống như bản tiêu chuẩn vẫn giữ lại cặp cánh mũi, nhưng bản thân cánh của nó khác với Su-33 là được bổ sung các bộ vi xử lý và cảm biến điện tử tích hợp bên ngoài.
Một đặc điểm nổi bật khác của Su-33KUB là khả năng sử dụng các cánh lật trong suốt chuyến bay chứ không chỉ trong quá trình cất cánh và hạ cánh, điều này giúp duy trì các đặc tính khí động học của máy bay trong điều kiện tốt nhất có thể.
So với các phi cơ thuộc họ Su-27, động cơ của Su-33KUB được cải tiến khoảng 10%, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu giảm 15 - 20%, sải cánh tăng lên tới 50%. Điều này mang lại khả năng cơ động cao hơn đáng kể, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khi hạ cánh trên boong tàu.
Về động cơ, loại AL-31K tích hợp trên Su-33KUB là một phiên bản của AL-31F nổi tiếng, được sửa đổi để sử dụng trong môi trường biển nhằm tránh những tác động ăn mòn từ môi trường xâm thực mạnh.
Sau đó đã có kế hoạch lắp đặt động cơ AL-31FP có kiểm soát véc tơ lực đẩy trên Su-33KUB, điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng cơ động của máy bay. Nhưng kế hoạch này đã không bao giờ thành hiện thực.
Về điện tử hàng không, máy bay được trang bị radar mảng pha N011 Bars tương tự như Su-30MKI, nó hoạt động ở một số băng tần X và L, cung cấp cái nhìn tổng thể về không gian, tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu, kể cả trong điều kiện không chiến cơ động tầm gần.
Radar này dẫn đường cho tên lửa không đối không không R-77, R-73, R-27; tên lửa không đối đất Kh-31 và một vài loại khác, cũng như tự động lập bản đồ địa địa hình của khu vực.
Phạm vi phát hiện của radar đối với tiêm kích là 150 km, 400 km với máy bay cỡ lớn và 200 km khi xác định tàu mặt nước, có thể theo dõi đồng thời 15 mục tiêu và tấn công 6 trong số đó, đồng thời hệ thống ngắm quang học có tầm xác định trong bán kính 50 km.
Hệ thống vũ khí của Su-33KUB là một khẩu pháo GSh-30-1 đi kèm 10 điểm treo bên ngoài (dưới cánh và bụng), có khả năng mang tên lửa không đối không tầm trung R-27 và tên lửa hồng ngoại R-73, cũng như các loại bom có điều khiển và không điều khiển khác nhau.
Sohu tóm tắt, Su-33KUB chắc chắn là một chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay rất đa năng và mạnh mẽ. So với người tiền nhiệm Su-33, nó đã được cải thiện về chất lượng di chuyển, tự động hóa, khả năng bảo trì và tính linh hoạt.
Hải quân Nga không giấu tham vọng sẽ đưa nó gia nhập hạm đội càng sớm càng tốt và thay thế toàn bộ số Su-33 đang được biên chế. Tuy nhiên điều này đã không trở thành hiện thực.
Lý do là bởi vì các máy bay chiến đấu MiG-29K/KUB rẻ hơn đã xuất hiện và được đánh giá phù hợp hơn với tàu sân bay không có máy phóng mà dùng đường cất cánh kiểu nhảy cầu như chiếc Đô đốc Kuznetsov.
Tuy nhiên vào thời điểm ra mắt, tiêm kích hạm Su-33KUB thực sự có thể được gọi là một máy bay khác thường, hoàn toàn chứng minh cho sự chú ý ngày càng gia tăng đối với nó.
Một điều đáng chú ý đó là Trung Quốc đã cho ra đời một phiên bản hai chỗ ngồi của tiêm kích hạm J-15 mang tên J-15S, tuy nhiên phi công lại ngồi theo kiểu trước - sau truyền thống thay vì song song như Su-33KUB.
Chính vì đặc điểm này, tiêm kích hạm Su-33KUB của Nga vẫn là chiến đấu cơ độc nhất vô nhị trong suốt lịch sử hàng không quân sự thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo