Quốc tế

Vệ tinh vũ trang - vũ khí nguy hiểm trong cuộc chạy đua trên vũ trụ

Vệ tinh vũ trang là loại vũ khí xuất hiện từ khi con người bắt đầu chinh phục không gian. Cho đến nay, nhiều biến thể của vũ khí này vẫn đang được phát triển mà chưa có nỗ lực quốc tế nào hạn chế. Dù xuất phát trước hay sau, tiến nhanh hay chậm, hiện vẫn chưa có động thái nào cho thấy các cường quốc muốn chậm lại trong cuộc đua này.

"Bí ẩn" về vũ khí Nga sắp bán cho Iran / Nguyên nhân Mỹ ngừng chương trình vũ khí siêu vượt âm

Bước tiên phong của Liên Xô

Ngày 13/9/1962, 2 tàu vũ trụ Vostok-3 và Vostok-4 của Liên Xô đã tiếp cận nhau ở khoảng cách 5km, nhờ vào các tính toán chính xác trong quá trình phóng. Thử nghiệm đã cho thấy tiềm năng quân sự của tàu vũ trụ và vệ tinh. Ngay sau đó, Liên Xô khởi động dự án “vệ tinh chiến đấu” (IS), nhằm chế tạo một vệ tinh có thể đánh chặn vệ tinh khác.

Vệ tinh chiến đấu IS (Ảnh: TsNII Kometa)

So với các phương thức chống vệ tinh khác như laser, tên lửa, vệ tinh chiến đấu được đánh giá là đơn giản, tin cậy hơn, độ cao hoạt động lớn hơn nhiều. Tới năm 1988, vệ tinh IS có thể tác chiến trên quỹ đạo địa tĩnh, cách mặt đất 36.000km, trong khi các phương thức khác chỉ hiệu quả ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp, dưới 2000km. Phương tiện phóng vệ tinh là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), do đó có thể bí mật triển khai dưới vỏ bọc các vụ phóng thử ICBM.

Hình minh họa vệ tinh vũ trang phát nổ để tiêu diệt mục tiêu bằng mảnh văng (Ảnh: DIA)

Tháng 8/1970, vệ tinh IS lần đầu tiên đánh chặn thành công mục tiêu. Từ năm 1908-1982, một số vụ phóng được tiến hành trong để đưa vệ tinh lên trực chiến trên quỹ đạo. Nhờ đó, IS trở thành hệ thống phòng thủ ngoài không gian đầu tiên và duy nhất tính đến nay đi vào hoạt động. Chương trình bị ngưng sau khi Liên Xô sụp đổ và các vệ tinh IS rời biên chế quân đội Nga vào năm 1993.

Nỗi lo ngại của Mỹ

Những năm gần đây, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng trước các động thái nước này cho là “bất thường” của vệ tinh Nga. Kể từ năm 2014, Mỹ tuyên bố phát hiện một số vệ tinh Nga thực hiện nhiều pha cơ động phức tạp. Ngày 23/6/2017, một thiết bị vũ trụ của Nga đã phóng thành công “vệ tinh con” đi kèm sau khi bay lên quỹ đạo. Giới chức Mỹ cho rằng thay vì là vệ tinh, thiết bị có thể mang vũ khí do nguyên lý triển khai tương tự nhau.

Đầu tháng 2 vừa qua, tướng John Raymond, tư lệnh binh chủng Vũ trụ mới được thành lập cho biết, USA 245, một vệ tinh do thám quan trọng đã bị “đeo bám” bởi 2 vệ tinh Nga ở khoảng cách gần. Đáng chú ý rằng, gần 2 tuần sau khi vệ tinh Nga được phóng lên, vệ tinh thứ 2 mới tách ra và cùng theo sát vệ tinh Mỹ.

 

Quỹ đạo của vệ tinh USA 245 (màu xanh) so với quỹ đạo của 2 vệ tinh Nga (màu tím) (Ảnh: Time)

Dễ thấy vì sao Mỹ đặc biệt lo ngại cho mạng lưới vệ tinh của mình. Ngày nay, vệ tinh là phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong quân sự, vệ tinh được coi là trung tâm của các hệ thống thông tin liên lạc, định vị và do thám. Đứng trước mối de đọa về vệ tinh vũ trang, các vệ tinh tối quan trọng của Mỹ trở thành các mục tiêu nhiều tỷ đô mỏng manh, không thể phản kháng.

Robert Cardillo, cựu giám đốc Cơ quan tình báo không gian địa lý quốc gia Mỹ lấy ví dụ, nếu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) do Không quân Mỹ quản lý ngừng hoạt động, không chỉ bộ máy quân sự Mỹ bị tê liệt, mà cả xã hội, nền kinh tế cũng rơi vào khủng hoảng.

Hơn nữa, kể từ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ không có dự án nào tương đương với chương trình IS của Nga. Dự án vệ tinh vũ trang duy nhất từng được thử nghiệm của Mỹ có tên “Brilliant Pebbles”, với mục đích đánh chặn ICBM Liên Xô. Tuy nhiên, 3 lần thử nghiệm trong giai đoạn 1990-1992 đều thất bại. Dự án bị hủy bỏ vào năm 1993.

Hình minh họa vệ tinh đánh chặn của dự án Brilliant Pebbles (Ảnh: Missile Defense Agency)

Theo Robert Zurbin, giám đốc công ty nghiên cứu Pioneer Astronautics, Mỹ đang tụt hậu xa so với các đối thủ và sẽ không thể chiếm ưu thế nếu không có các vũ khí chống vệ tinh đặt trên mặt đất lẫn trên quỹ đạo. Ngày 10/2 vừa qua, Binh chủng Vũ trụ đã yêu cầu chính phủ Mỹ cấp 15,4 tỷ USD ngân sách cho năm tài khóa 2021, trong đó 10,3 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

 

Vũ khí chưa được kiểm soát

Sớm nhận thấy một cuộc chạy đua vũ trang, ngay từ những năm 1960, các nỗ lực đàm phán đã diễn ra nhằm kiểm soát việc quân sự hóa vũ trụ. Năm 1967, 3 nước Liên Xô, Mỹ và Anh đã đặt bút ký vào Hiệp ước Không gian vũ trụ, trong đó cấm triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt lên quỹ đạo.

Nhưng kể từ khi có hiệu lực đến nay, hiệp ước này không đề cập đến các loại vũ khí thông thường. Năm 2008 một dự thảo hiệp ước được Nga và Trung Quốc đưa ra, nhằm ngăn chặn việc triển khai tất cả các loại vũ khí hoặc có hành động gây tổn hại đến các vệ tinh. Nhưng nỗ lực trên đã vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ. Năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra một dự thảo bộ quy tắc ứng xử ngoài vũ trụ, trong đó hối thúc các bên không có hành động làm tổn hại tới vệ tinh hay di chuyển gây va chạm. Tuy nhiên, dự thảo đó đang ở trong tình trạng “chết lâm sàng” kể từ năm 2014.

Hiện tại, không hề có sự ràng buộc nào đối với việc phát triển các loại vũ khí thông thường trên quỹ đạo. Những tiến bộ về công nghệ đang tạo điều kiện cho vệ tinh vũ trang quay trở lại với hiệu quả tác chiến cao hơn nhiều so với thời chiến tranh Lạnh.

Nằm trên ranh giới dân sự và quân sự

 

Không chỉ có vệ tinh vũ trang, nhiều công nghệ vệ tinh khác cũng đều dựa trên những dự án quân sự, hoặc có ứng dụng quân sự tiềm ẩn. Do đó, dù có nhiều lợi ích, nhiều nước vẫn “đứng ngồi không yên” khi cho rằng có thể nhanh chóng vũ khí hóa vệ tinh dân sự.

Minh họa một vệ tinh bảo dưỡng vệ tinh khác bằng các cánh tay máy (Ảnh: NASA)

Có thể lấy ví dụ, phương thức điều khiển tự động để vệ tinh cơ động quỹ đạo có rất nhiều điểm tương đồng với cách vệ tinh IS vận hành. Thay vì mang vũ khí, một vệ tinh không vũ trang, chi phí thấp hoàn toàn có thể tiếp cận, đâm húc nhằm vô hiệu hóa một vệ tinh quân sự quan trọng.

Vài năm trở lại đây, nhiều nước đưa ra khái niệm “vệ tinh ong thợ”, có nhiệm vụ dọn rác vũ trụ hoặc sửa chữa vệ tinh khác, đặc biệt các vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000km. Nhờ vậy, chi phí sẽ giảm đi vì không cần phải thay thế vệ tinh nhiều như trước, đồng thời giảm thiểu rác vũ trụ. Hiện tại, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu về công nghệ này, theo sau là Mỹ và EU.

Tuy nhiên bên cạnh khả năng sửa chữa, thiết bị được cho là có thể dùng để phá hoại vệ tinh khác. Tính lưỡng dụng này khiến các nước khó có thể coi đó là vũ khí.

 

Ngoài vệ tinh vũ trang, hiện tại, chưa có nỗ lực nào được đưa ra để kiểm soát những công nghệ mà ranh giới giữa ứng dụng dân sự và quân sự không được rõ ràng. Điều này cho thấy, chiến tranh ngoài không gian đang đến gần với nhân loại hơn bao giờ hết.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm