Quốc tế

Xe bọc thép chở quân hạng nặng Trung Quốc hoán cải từ xe tăng Type 59 có gì đặc biệt?

DNVN - Xe bọc thép chở quân hạng nặng VN11 chuyên dùng cho xuất khẩu được Trung Quốc chế tạo bằng cách hoán cải khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59.

Số tên lửa Moskit trị giá hàng trăm triệu USD của Trung Quốc sẽ trở thành "sắt vụn"? / Bộ 3 tiêm kích nội địa độc đáo của lực lượng không quân mạnh nhất bán đảo Scandinavia

Xe bọc thép chở quân (APC) hạng nặng VN11 xuất hiện lần đầu tiên tại sự kiện Norinco Armour Day 2017, đây là phương án nhằm tận dụng các khung thân xe tăng Type 59 đã quá lạc hậu, không còn tiềm năng hiện đại hóa.

VN11 của Trung Quốc có rất nhiều nét tương đồng với chiếc BMP-55 của Ukraine. Trong quá trình hoán cải, xe đã được tân trang, lắp đặt động cơ cùng hộp số điều khiển mới.

Tháp pháo bị gỡ bỏ và thay thế bằng một cấu trúc thượng tầng khác biệt nhằm mục đích tạo ra khoang chở quân. Ngoài ra xe còn được ốp bổ sung các tấm giáp phụ dạng module cho khả năng bảo vệ vượt trội.

Xe bọc thép chở quân hạng nặng VN11 của Trung Quốc. Ảnh: Military Today.

Xe bọc thép chở quân hạng nặng VN11 của Trung Quốc. Ảnh: Military Today.

Trung Quốc cùng với nhiều quốc gia khác đang vận hành hoặc cất trữ hàng ngàn chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực thuộc biến thể T-54/55, chúng có khá ít giá trị trên chiến trường hiện đại khi rất dễ bị tổn thương bởi các loại vũ khí chống tăng tiên tiến.

Thay vào đó, sửa đổi các khung thân T-54/55 dư thừa này sang APC hạng nặng nhằm kéo dài thời gian hoạt động là một phương án tỏ ra rất khả thi.

Hiện nay chỉ có Israel là đang vận hành số lượng lớn phương tiện trên, chính là những chiếcAchzarit có nguồn gốc từ xe tăng T-54/55 chiến lợi phẩm, còn lại các chủng loại khác như BMP-55 của Ukraine, BTR-T của Nga hay Tarmour của Ấn Độ chỉ tồn tại dưới dạng nguyên mẫu thử nghiệm.

VN11 cung cấp mức độ bảo vệ tốt hơn bất cứ loại APC hiện đại nào, động cơ được đưa ra phía trước càng tăng thêm sự chắc chắn. Vai trò chính của VN11 là vận chuyển binh sĩ từ tuyến sau lên tuyến đầu, cho nên nó còn được gọi là chiếc taxi chiến trường.

 

Chiếc APC này miễn nhiễm hoàn toàn trước hỏa lực súng máy hặng nặng, thậm chí vòng cung phía trước còn chịu được đạn xuyên giáp cỡ 90 mm, mặt bên an toàn trước súng phóng rocket cá nhân kiểu RPG-7 hay thậm chí cả một số loại tên lửa chống tăng đời cũ, gầm xe chịu được sức nổ của mìn chống tăng chứa 10 kg TNT. Trên xe còn có hệ thống chữa cháy tự động và phòng chống tác nhân vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC).

Cận cảnh tháp pháo của xe bọc thép chở quân hạng nặng VN11. Ảnh: Military Today.

Cận cảnh tháp pháo của xe bọc thép chở quân hạng nặng VN11. Ảnh: Military Today.

VN11 có một tháp pháo thấp, lắp pháo tự động cỡ 30 mm cơ số 500 viên đạn, tương tự như loại trang bị cho xe chiến đấu bộ binh Type 86G đang phục vụ với số lượng lớn trong Quân đội Trung Quốc, nó có thể tấn công xe thiết giáp đối phương từ cự ly 1.500 m, lên tới 4.000 m khi chống lại mục tiêu mặt đất như công sự, hoặc bắn hạ máy bay bay thấp từ khoảng cách 2.500 m

 

Bên cạnh đó, trên tháp pháo còn có đường ray để tích hợp tên lửa chống tăng HJ-73 có tầm bắn 3.000 m. Chiếc APC hạng nặng này không được trang bị súng máy đồng trục.

Trọng lượng cơ bản của VN11 là 35 tấn; chiều dài 6,2 m; chiều rộng 3,2 m; chiều cao 2,2 m; được lắp đặt động cơ diesel tăng áp loại mới nhưng chưa rõ công suất máy là bao nhiêu. Xe có khả năng leo dốc 60%, đi trên mặt phẳng nghiêng 40%, vượt vật cản cao 0,8 m, vượt hào rộng 2,7 m và lội nước sâu 1,4 m, chiếc APC này không có khả năng bơi.

Kíp điều khiển của VN11 gồm 3 người và mang theo được 6 lính bộ binh, binh lính ra vào xe ở cửa sau nhằm hạn chế việc bị tổn thương bởi hỏa lực địch, đây chính là ưu điểm nổi trội của việc di dời động cơ lên phía trước.

VN11 theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự sẽ chỉ là mẫu trình diễn tính năng, hướng đến hợp đồng chuyển giao công nghệ hoán cải xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 cho các quốc gia có nhu cầu.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm