Quỹ đầu tư đang thắng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam
So với thời điểm đầu năm 2012, nhiều quỹ đầu tư đã có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) lớn. Dù các quỹ vẫn chưa lấy lại được toàn bộ những gì đã mất trong năm 2011, nhưng tương quan so sánh mức tăng trưởng NAV bình quân của nhóm các quỹ đầu tư đại chúng niêm yết vào các thị trường mới nổi khác cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày một hấp dẫn hơn.
Tăng ấn tượng
Theo báo cáo tổng hợp các quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi của Rothschild, tính đến ngày 8/6, rất nhiều quỹ đầu tư đại chúng trên thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng ấn tượng. Điều đáng nói là, quỹ có mức độ tăng NAV lớn nhất lại rơi vào nhóm quỹ đầu tư trong nước.
NAV của Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) có mức tăng trưởng lớn nhất, đạt 36,5% (mức tăng giá trị tài sản ròng tính theo đơn vị USD, cao hơn so với mức tăng NAV tính theo VND do tỷ giá chính thức USD/VND từ đầu năm 2012 tới nay đã giảm nhẹ).
Các quỹ đại chúng có mức tăng trưởng NAV lớn tiếp theo, tính theo dữ liệu của Rothschild là Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1), với mức tăng 32,7%; Vietnam Emerging Equity Fund tăng 30,1%, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) tăng 29,1%. Đối với nhóm quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, mức tăng NAV dao động chủ yếu từ 20-30%.
2 quỹ đầu tư vào sản phẩm có thu nhập cố định của Dragon Capital là Dragon Capital Vietnam Debt "A" class và "B" class cũng có mức tăng trưởng khá so với lịch sử của 2 quỹ kể từ khi thành lập, lần lượt là 8,2% và 9,5%.
Với mức giảm lãi suất mạnh như thời gian vừa qua, các quỹ đầu tư vào chứng khoán nợ có mức tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong nhóm này, các quỹ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có mức tăng trưởng thấp nhất nhất. Thậm chí, quỹ Vietnam Property Holding giảm 21% giá trị tài sản ròng trong khoảng thời gian nói trên, quỹ VinaLand giảm 3,3%.
Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng lên
Mặc dù có sự phân hạng giữa các nhóm quỹ đầu tư khác nhau, nhưng nhìn chung, các quỹ đại chúng đầu tư tại Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tính từ đầu năm đến nay lớn hơn so với mặt bằng chung các thị trường mới nổi khác.
Tại Úc, các quỹ này hầu như có mức tăng trưởng âm, với tỷ lệ giảm nhẹ NAV từ đầu năm tới ngày 8/6, khoảng dưới 7%. Tại Campuchia, chỉ có 1 quỹ NAV tăng, với mức 0,8%. Ở Trung Quốc, ngoại trừ quỹ FTSE/Xinhua China 25 Index Fund có mức tăng NAV tới 50,8%, thì các quỹ còn lại chủ yếu giảm hoặc tăng ít.
Tại Ấn Độ, một thị trường chứng khoán mới nổi, có sức cạnh tranh lớn đối với Việt Nam, cũng ghi nhận mức tăng trưởng NAV trong cùng thời gian âm hoặc rất thấp (chủ yếu khoảng 3-4%). Trong khi đó, năm 2011, các quỹ tại Ấn Độ cũng có mức giảm NAV dao động khoảng 40%, cao hơn so với mức giảm NAV năm 2011 của các quỹ đầu tư vào Việt Nam.
Thêm vào đó, tỷ lệ chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng của các quỹ có sự phân nhóm rõ ràng, theo chiều hướng giảm. Một số quỹ có tỷ lệ chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng cao như Quỹ hạ tầng Vietnam Infrastructure Ltd của VinaCapital (58,3%), Quỹ DWS Vietnam Fund (48,7%), VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) của VinaCapital (37,9%)
Trong khi đó, các quỹ còn lại có tỷ lệ chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng rất thấp, chỉ trên dưới 10%. Ví dụ, Vietnam Emerging Equity Fund có mức chiết khấu 6,7%, DB X-Tracker FTSE Vietnam ETF 0,9%, Vietnam Growth Fund 14,5%. Cá biệt, quỹ Market Vectors Vietnam ETF còn có thị giá cao hơn 1,3% so với giá trị tài sản ròng tại ngày 8/6.
Giai đoạn 2008-2009, rất nhiều quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng nước ngoài tại Việt Nam có mức chiết khấu thị giá lên tới 60-70% giá trị tài sản ròng do nhà đầu tư quan ngại những diễn biến tiếp tục xấu của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự việc quỹ Indochina Capital Vietnam (ICV) do công ty quản lý quỹ Indochina quản lý chịu cảnh phải tách quỹ một phần bởi nhà đầu tư đòi chia tài sản, cũng là hệ quả của việc chứng chỉ quỹ niêm yết có mức chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng quá lớn.
Vì thế, việc tỷ lệ chiết khấu giá trên tài sản ròng đang giảm mạnh ở đa số các quỹ cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ĐTCK
End of content
Không có tin nào tiếp theo