Hỗ trợ doanh nghiệp

Quy định về dán nhãn năng lượng: Rào cản mới cho doanh nghiệp

(DNVN) - Quy định mới về dán nhãn năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu đang cho thấy nhiều bất cập. Nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu sản phẩm tiêu thụ điện năng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp “khổ” đủ đường

Ngày 03/12/2014, Bộ Công thương ban hành quyết định số 11039/QĐ-BCT công bố Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương. Trong đó, có danh mục các thiết bị công nghiệp đang chịu sự ràng buộc của các quy định về dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Mới đây, Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương đang cùng thống nhất thực hiện các quy định về về dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Một số nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là các lô hàng nhập khẩu nằm trong danh mục sẽ phải có Phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu được cấp bởi Phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định để thông quan hàng hóa. Và Bộ Công thương cho rằng, không sử dụng lại phiếu thử nghiệm của lô hàng trước đề thực hiện kiểm tra cho lô hàng tiếp theo…

Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn các thủ tục liên quan đến hoạt động kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu để cơ quan hải quan, các tổ chức có liên quan và doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện.

Quy định về dán nhãn năng lượng chưa rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ảnh minh họa.

Trước quy định này, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn khi phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ cho việc kiểm tra lấy giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm cho từng lô hàng. Có doanh nghiệp chỉ nhập mỗi loại một sản phẩm thì lấy đâu ra mẫu để cung cấp kiểm tra thử nghiệm. Trường hợp chờ đợi kết quả thử nghiệm kéo dài, doanh nghiệp phải “mòn mỏi” chờ đợi lấy chứng nhận để được đăng ký dãn nhãn năng lượng, từ đó mới được thông quan. Có trường hợp sản phẩm được nhập khẩu về tại cảng khu vực phía Nam nhưng lại được chỉ định tại một trung tâm ở Hà Nội khiến doanh nghiệp “khóc dở”…

Chỉ có ở… Việt Nam!

Liên quan tới quy định trên, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lo sợ các nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu sản phẩm tiêu thụ điện năng sẽ đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng được yêu cầu.

AmCham cho hay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các công ty nhập khẩu năng lượng để có được các sản phẩm từ mỗi lô hàng, phải được kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu do một đơn vị dán nhãn được chỉ định bởi Bộ Công thương thực hiện – mặc dù sản phẩm đó giống với các sản phẩm nhập khẩu trước đó. Thủ tục hành chính này theo AmCham là rào cản vô lý, nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và uy tín của Việt Nam.

AmCham cũng chỉ ra một số bất cập trong quy định mới này, như chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục kiểm tra, cụ thể trong trường hợp sản xuất ở nước ngoài, không phải ở Việt Nam; các nhà sản xuất nước ngoài, vẫn chưa rõ làm thế nào để đạt, có được dãn nhãn năng lượng tối thiểu có thời hạn 3 năm thay vì áp dụng dãn nhãn và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu đối với từng lô hàng đơn lẻ; Quy định kiểm tra cơ sở sản xuất là chưa rõ ràng nên các nhà sản xuất nước ngoài không thể có được chứng nhận dán nhãn năng lượng được quy định tại điều 4 Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04/04/2012 của Bộ Công thương…

 

Quy định này cũng cho thấy sự trái ngược với hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đó kết quả kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu là vô thời hạn và có thể tái sử dụng đối với các lô hàng khác nhau của cũng một sản phẩm trong thời gian hiệu lực. Trong khi đó, theo quy định của Tổng cục năng lượng, kết quả kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu không thể tái sử dụng cho quá một lô hàng dù cùng một sản phẩm mẫu mã như nhau.

Việc mới có 4 đơn vị (2 ở miền Bắc và 2 ở miền Nam) được Bộ Công thương chỉ định được phép kiểm tra các mẫu hàng hóa sẽ gây ra tình trạng chậm chễ nghiêm trọng khi thông quan với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng tiêu chuẩn điện năng tối thiểu. Thực tế này dẫn tới hàng nghìn sản phẩm vẫn đang tồn kho hàng tháng trời vì đợi kết quả kiểm tra, gây tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất và các công ty nhập khẩu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, vấn đề AmCham nêu lên đã được Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đề nghị các Bộ Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ có ý kiến phản ánh, kiến nghị.

Nên đọc
VĂN HUY - ANH ĐỨC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo