Hỗ trợ doanh nghiệp

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc Quốc lộ 13

(DNVN) - Theo tin từ Bộ Công Thương, Vụ Kế hoạch đang phối hợp với Viện Công nghệ và Kinh tế Năng lượng vừa xây dựng Đề án Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 13 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và xuất phát từ nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng và thương mại, trong giai đoạn 2000-2012 các tỉnh thành phố trên cả nước đã lập các quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, có nơi kết hợp với quy hoạch mạng lưới bán lẻ LPG. Nhiều địa phương đã lập bổ sung điều chỉnh quy hoạch (ví dụ TP. Hà Nội, TP. HCM…).  

Xuất phát từ thực tế ở các địa phương, các quy hoạch được lập vì những khác biệt về tiêu chí phân loại, đánh giá hiện trạng tiêu chí về quy mô xây dựng cũng như khoảng cách giữa các cửa hàng… Việc quản lý hệ thống cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch ở mỗi tỉnh, thành phố đã chứng tỏ tác động tích cực của công tác lập quy hoạch, tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng bộc lộ những điểm bất cập cần khắc phục. Phổ biến nhất là sự tồn tại nhiều cửa hàng xăng dầu nhỏ bé về quy mô, xấu về kiến trúc, lạc hậu về công nghệ chưa được cải tạo nâng cấp.

Đặc biệt mật độ cửa hàng xăng dầu còn quá dày trên nhiều tuyến đường chính không bảo đảm khoảng cách quy định theo Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc "Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ".

Tình hình trên là nghiêm trọng hơn trên các tuyến quốc lộ, ở cửa ngõ vào các thành phố hay qua các thị xã, thị trấn. Nhằm khắc phục tồn tại trên và thực hiện chức năng quản lý ngành, Bộ Công Thương đã và đang lập một số quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc theo các tuyến quốc lộ lớn đi qua nhiều tỉnh như Đường Hồ Chí Minh, QL.1, QL.10, QL.6.

QL.13 là đường giao thông chiến lược nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ: Bình Dương, Bình Phước với chiều dài trên 140.5 Km. QL.13 có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua. Đồng bộ với việc cải tạo nâng cấp QL.13, các khu công nghiệp : Việt Nam - Singapore, Mỹ Phước, Becamex, Minh Hưng 3, Minh Hưng, các đô thị, thị trấn, thị tứ sẽ phát triển và kèm theo các mạng dịch vụ. Hệ thống cung cấp xăng dầu dọc QL.13 cần phải quy hoạch để đáp ứng nhu cầu tất yếu và khách quan vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có dọc QL.13 mặc dù đã được các địa phương quan tâm xử lý trong quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu nhưng còn những bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng xăng dầu cho tuyến đường Xuyên Á, đặc biệt là thiếu các cửa hàng lớn cho xe siêu trường, siêu trọng. Mặt khác mật độ cũng chưa hợp lý, còn nhiều cung đường chưa có cửa hàng phục vụ cho nhu cầu của dân cư hai bên đường. Nhiều cửa hàng còn quá nhỏ bé, kém mỹ quan, gần công  trình công cộng…

Xuất phát từ những tồn tại trên, đề án Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc QL.13 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là cần thiết.

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc QL.13 có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho giao thông trên QL.13; Đảm bảo an toàn PCCC và vệ sinh môi trường tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Tránh lãng phí quỹ đất, tăng hiệu quả đầu tư; Thuận lợi cho công tác quản lý thị trường của các cơ quan chức năng; Đảm bảo chất lượng dịch vụ thương mại, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; Hiện đại hoá và tăng cao tính tiện ích của dịch vụ tổng hợp trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, ngang tầm với các nước trong khu vực.

Đối tượng được quy hoạch là các cửa hàng xăng dầu bao gồm cả các trạm cấp phát xăng dầu của các đơn vị quân đội phục vụ nhu cầu quân đội và kinh doanh (bao gồm cả nhiên liệu sinh học xăng E5, E10), có thể kết hợp với các dịch vụ thương mại khác như bán gas bình, cấp LPG cho xe ô tô sử dụng nhiên liệu LPG, cấp CNG cho xe ô tô sử dụng nhiên liệu CNG, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, bán hàng ăn uống, tạp phẩm, bãi đỗ xe, trạm nghỉ qua đêm...

Không quy hoạch các trạm cấp phát nội bộ của các đơn vị quân đội và các trạm cấp phát nhiên liệu nội bộ của các nhà máy, xí nghiệp, bến xe, công trường, nông trường… Không quy hoạch các cửa hàng chỉ bán LPG, CNG đóng chai và các điểm bán lẻ dầu lửa.

Ảnh minh họa.

Về không gian: dọc tuyến đường Quốc lộ 13, cả tuyến bắt đầu từ ngã 5 Đài Liệt sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh qua Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát tỉnh Bình Dương, các huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh tỉnh Bình Phước và kết thúc tại cửa khẩu Hoa Lư, biên giới Việt Nam - Campuchia. Không quy hoạch cửa hàng xăng dầu cho các đường ngang nối với đường Quốc lộ 13. Về thời gian: Quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Dự án tập trung nghiên cứu vào các nội dung chính như đánh giá hiện trạng hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc QL.13;  Tổng quan về phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có QL.13 đi qua. Các yếu tố chính có ảnh hưởng đến tiêu thụ xăng dầu; Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu (chỉ trong khu vực bán lẻ) dọc QL.13;  Xác định số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần có dọc QL.13; Quy hoạch chi tiết hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (bao gồm các cửa hàng hiện có và xây dựng mới) giai đoạn  2015-2025; Quy hoạch định hướng giai đoạn 2026-2035; Đề xuất các giải pháp thực hiện; Tổ chức thực hiện.

Để có được bức tranh tổng quát và đánh giá sát thực về hiện trạng hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có dọc tuyến QL.13. Đơn vị tư vấn đã phối hợp với các Sở Công Thương của 03 tỉnh, thành phố, nơi có tuyến đường đi qua tiến hành công tác khảo sát hiện trạng các cửa hàng xăng dầu.

Công tác khảo sát được thực hiện trong tháng 8 - 9 năm 2016 với các nội dung như thu thập các thông tin cần thiết có liên quan đến công tác quy hoạch theo phương thức Sở Công thương  gửi và thu thập phiếu điều tra hiện trạng (mẫu do Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cấp) đến các cửa hàng hoặc trực tiếp tại cửa hàng; Khảo sát tại cửa hàng để bổ sung thông tin. Đi thực địa trên dọc tuyến để xác lập vị trí các cửa hàng hiện có theo lý trình tuyến đường; Ghi nhận bằng hình ảnh các cửa hàng; Xác lập các nội dung thông tin theo phiếu điều tra hiện trạng (tên cửa hàng, chủ doanh nghiệp, diện tích đất, sức chứa khu bể, số cột bơm, bán hàng bình quân tháng,...).

Vụ Kế hoạch - Bộ Công thương và Đơn vị Tư vấn làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phố về hiện trạng các cửa hàng và bàn thảo về phương án quy hoạch. Lập bản đồ hiện trạng các cửa hàng hiện có trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát hiện trạng, đã được cập nhật và xử lý các số liệu thống kê để làm cơ sở cho công tác quy hoạch.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo