Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Mục tiêu Quy hoạch nhằmnâng cao vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế.
Đồng thời, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu ngườivùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt 5.500 USD; tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 5,5%, công nghiệp - xây dựng 49,1% và dịch vụ 45,4%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 32%.
Về văn hoá - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 80 - 85%, đào tạo nghề khoảng 40 - 50%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 80%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo gấp 2,5 - 3,5 lần sau mỗi thời kỳ 5 năm…
Phát triển Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng đẳng cấp quốc tế
Theo định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực,vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch theo hướng tập trung phát triển du lịch văn hóa gắn với nền văn minh sông Hồng; du lịch lễ hội, tâm linh…
Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ, tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại kết hợp với xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hoá các tổ chức và dịch vụ; phát triển Hà Nội trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng có uy tín và đạt đẳng cấp quốc tế.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế
Về công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng cạnh tranh, có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy; sửa chữa, đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; thép chất lượng cao và vật liệu xây dựng mới; hóa - dược phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm và ngành dệt may, da - giày.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, phát thải thấp và thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế tác có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, nâng cao năng suất lao động.
Phát triển công nghiệp ở nông thôn gắn với sự phát triển nông nghiệp; mở rộng qui mô công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu; phấn đấu tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 8,2%, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 10%, thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9%.
Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao
Về nông lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp thâm canh cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.
Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và viễn dương, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang các hoạt động kinh tế khác. Hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hải Phòng là Cát Bà và đảo Bạch Long Vĩ.
Tập trung phát triển gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp; nuôi thuỷ sản nước lợ, nước ngọt và nuôi trồng hải sản gắn với cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, đầu tư hệ thống kho lạnh phục vụ xuất khẩu.
Hình thành đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh
Theo phương hướng tổ chức không gian, tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ hình thành cơ cấu đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh hợp lý nhằm tạo động lực để phát triển các khu vực xung quanh. Theo đó, các đô thị: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Hải Dương đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng. Các địa phương: Sơn Tây, Từ Sơn, Xuân Mai, Chí Linh, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái phát triển thành các đô thị vệ tinh.
Không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ gồm hai tiểu vùng: tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng duyên hải. Trong đó, Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Tiểu vùng duyên hải ven biển gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực biển, ven biển và hải đảo)…
End of content
Không có tin nào tiếp theo