Hỗ trợ doanh nghiệp

Sacombank thiệt hại 821 tỷ đồng do sai phạm

Sáng 25-4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2013 tại TP.HCM.
Kế hoạch lợi nhuận 2.800 tỷ đồng
 
Tại Đại hội, các cổ đông đã thống nhất thông qua tờ trình về việc xin từ nhiệm của 3 thành viên Hội đồng quản trị (gồm ông Đặng Văn Thành, ông Đặng Hồng Anh và ông Trần Xuân Huy), đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới vào Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Gia Định, bà Nguyễn Thị Lệ An và ông Nguyễn Văn Cựu.
 
Đại hội cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 và kế hoạch 2013. Theo đó, trong năm 2012 các chỉ tiêu của ngân hàng đều đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định và cao hơn mặt bằng chung toàn ngành. Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng tăng 8% (trong khi tổng tài sản của khối Ngân hàng thương mại cổ phần giảm hơn 4,5% và toàn ngành cũng chỉ tăng 2,54%). Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư chiếm 93% tổng huy động  và tăng 24% so với năm 2011. Tổng dư nợ cho vay tăng 24% so với đầu năm 2012, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2012 là 1,97%.
 
Về lợi nhuận, các khoản thu nhập từ hoạt động tín dụng, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên nhằm ghi nhận đầy đủ vào kết quả tài chính theo đúng thực trạng năm 2012 và tạo tiền đề phát triển bền vững cho những năm tiếp theo, Sacombank đã thực hiện trích lập kịp thời, đẩy đủ tất cả các khoản dự phòng (rủi ro tín dụng, giảm giá chứng khoán, phải thu khó đòi) 2.054 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 1.315 tỷ đồng (tương đương 39% kế hoạch).
 
Về kế hoạch kinh doanh năm 2013, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng (tăng 113% so với năm 2012), tỷ lệ cổ tức từ 9% - 10%. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt chỉ tiêu nâng tổng tài sản lên 172.000 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2012), vốn chủ sở hữu đạt 24.944 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 16.418 tỷ đồng (tăng 53% so với năm 2012).
 
Sacombank phấn đấu đạt tổng vốn huy động 143.800 tỷ đồng (tăng 16% so với 2012), tổng dự nợ tín dụng đạt 108.650 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt trên 9%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không quá 3%.
 
Thiệt hại 821 tỷ đồng do sai phạm
 
Tại đại hội, ông Nguyễn Tấn Thành – Trưởng Ban Kiểm soát của Sacombank  đã công bố chính thức kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động của Sacombank.
 
Trong đó, Thanh tra NHNN kết luận Sacombank hoạt động an toàn, lành mạnh, là thương hiệu lớn,có uy tín trên thị trường và trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 một số cán bộ của Sacombank đã có những quyết định kinh doanh trái quy định.
 
Theo đó, Sacombank đã vi phạm một số điều khoản quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) và quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Cụ thể, theo quy định, tổ chức tín dụng cho vay đối với một cá nhân không được vượt quá 15% vốn tự có và không quá 25% đối với các cá nhân và người có liên quan.
 
Sacombank cũng vi phạm quy định về việc TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, và biện phảp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.
 
Trong quy chế cho vay, Sacombank cũng vi phạm trong việc xem xét đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng hoàn trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cho vay. Kết luận cuả Thanh tra cũng ghi rõ Sacombank đã vi phạm về đăng ký giao dịch đảm bảo.
 
Với những vi phạm như trên, NHNN yêu cầu Sacombank phân loại lại nhóm nợ, trích lập bổ sung dự phòng rủi ro bổ sung 1.090 tỷ đồng.
 
Đối với hoạt động cấp vốn và đầu tư dài hạn, thanh tra NHNN ghi nhận có 10 khoản đầu tư và cấp vốn dài hạn với tổng giá trị 46 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho số tiền chênh lệch giữa vốn đầu tư ban đầu và mệnh giá là 135 tỷ đồng. 
 
Kết luận về khoản đầu tư vào SBS, tại thời điểm 30-6-2012, dư nợ cho vay của Sacombank tại SBS là 2.015 tỷ đồng. Theo đó, Sacombank đã sai phạm khi mua trái phiếu chuyển đổi do SBS phát hành khi chưa được NHNN chấp thuận. Đồng thời, việc Sacombank cho SBS vay cũng trái quy định do SBS là công ty do Sacombank nắm quyền kiểm soát.
 
Theo bản kết luận, các vi phạm nêu trên gây thiệt hại cho Sacombank là 821 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ trong năm 2012.
 
 
 

Nhật Minh
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo