Saigon Food và lối rẽ thành công sang thị trường Nhật
Vốn là một trong những DN xuất khẩu chú trọng các thị trường truyền thống, nhưng thời gian gần đây Saigon Food (Cty CP Sài Gòn Food) lại có sự thay đổi trong chiến lược phát triển, tập trung chủ yếu vào thị trường Nhật.
(DDDN) Chặng đường 10 năm không ngừng nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm chất lượng, Saigon Food (Cty CP Sài Gòn Food) không những trở thành thương hiệu quen thuộc của người Việt mà còn tự tin vươn tầm quốc tế, hình thành cho mình một hệ thống thị trường xuất khẩu truyền thống có sức tiêu thụ lớn như Mỹ, EU…
Chất lượng
Quyết định thay đổi chiến lược phát triển, tập trung chủ yếu vào thị trường Nhật của Saigon Food bắt đầu từ cách đây 5 năm. Khi đó Saigon Food gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến trong nước; nguồn cung nguyên liệu không đủ khiến hoạt động sản xuất rơi vào tình trạng bất ổn định. Một số khách hàng Nhật đã gợi ý Saigon Food nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu sang Nhật. Nhìn lại quãng thời gian đó, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tường chia sẻ : “Chúng tôi cũng hơi lo lắng vì Nhật Bản là thị trường có những yêu cầu rất khắt khe đối với sản phẩm ăn liền. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ xuất khẩu thử vài container. Về sau khi khách hàng và thị trường bắt đầu chấp nhận, chúng tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất và đến nay đã hình thành 3 nhà máy sản xuất hiện đại với công suất 5.000 tấn/năm, lực lượng lao động trên 1.300 người”.
Dẫu biết rằng trong kinh doanh, việc tập trung vào một thị trường để xuất khẩu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hiện tại với Saigon Food, sự lựa chọn này đem lại doanh thu và việc làm ổn định cho hơn 1.300 lao động.
Ông Tường cho biết đối với thị trường Mỹ và EU, việc bán hàng thuận lợi hơn nhiều nếu giá bán của DN cạnh tranh hơn so với những đối thủ khác. Còn đối với thị trường Nhật, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Cách làm việc của người Nhật rất khác. Họ tìm hiểu và nghiên cứu kỹ đối tác và khi thực hiện hợp đồng, họ sẵn sàng hỗ trợ đối tác về mặt kỹ thuật cũng như cách quản lý. Nếu DN Việt làm ăn uy tín, giữ chất lượng, chắc chắn sẽ trở thành đối tác lâu dài của thị trường Nhật Bản.
Để có thể đưa được thương hiệu vào thị trường Nhật Bản, Saigon Food đã phải mất nhiều thời gian và công sức. Thời gian đầu, Cty chú trọng tìm hiểu về thị trường, tập quán kinh doanh, văn hóa ẩm thực của người dân đất nước Hoa anh đào để có những kế hoạch, bước đi dài hạn nhằm tiếp cận thị trường màu mỡ này sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, để chinh phục thành công thị trường Xứ sở Phù Tang, yếu tố tiên quyết là phải kiên trì. Thậm chí có những mặt hàng Saigon Food phải làm đi làm lại cả vài chục lần, chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết một mới thuyết phục được khách hàng chấp nhận.
Và chữ tín
Có thể thấy ngành thực phẩm hiện đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là giá nguyên liệu đầu vào liên tục biến động, chi phí sản xuất không ngừng tăng cao, trong khi đó các thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp và khắt khe hơn. Thực trạng này đòi hỏi mỗi DN phải luôn biết cách duy trì yếu tố sống còn là uy tín và chất lượng sản phẩm. Đối với một thị trường khó tính như Nhật Bản, chữ Tín và chất lượng càng được coi trọng. Nhận thức được vấn đề này, Saigon Food luôn tận tâm, chu đáo, tuân thủ nguyên tắc lấy chất lượng, chữ Tín làm đầu và luôn nỗ lực đem đến cho khách hàng Nhật những sản phẩm chất lượng nhất. Tiêu chí này được mọi CBCNV Cty quán triệt và thực hiện trong chính công việc hàng ngày. Chính sự khắt khe và hoạt động có kỷ luật đã giúp thương hiệu Saigon Food ngày càng nhận được sự tin tưởng hợp tác của các đối tác Nhật.
Có thể thấy nhiều nhà máy sản xuất thủy sản ở VN được đầu tư rất hiện đại, cả máy móc thiết bị sản xuất lẫn thiết bị kiểm nghiệm, do đó việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật là trong tầm tay. Tuy nhiên có những vấn đề mà các nhà máy khó có thể kiểm soát chặt chẽ được, đó là nguồn nguyên liệu đầu vào.
Trong kế hoạch phát triển 10 năm tới, Saigon Food tập trung đầu tư vào các dây chuyền sản xuất các sản phẩm mang tính tiện lợi cao.
Nhà máy SaiGon Food sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ EU, Nhật là những quốc gia kiểm soát vùng nuôi trồng và đánh bắt rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trước khi đưa vào sản xuất, Cty đều kiểm tra nguyên liệu rất gắt gao, cả về độ tươi lẫn các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kháng sinh.
Ông Tường cho biết đối với nguồn nguyên liệu nuôi trồng trong nước, hiện tại các nhà máy đang gặp khó là người nuôi trồng sử dụng nguồn thức ăn, thuốc kháng sinh… không theo đúng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Khi thu mua, nhà máy chỉ có thể kiểm tra xác suất, không thể kiểm tra 100% nên các lô hàng thường xuyên bị từ chối nhập khẩu do dư lượng kháng sinh. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét để quản lý tốt hơn ngành nuôi trồng trong nước.
Có thể nói, sự chuyển hướng kinh doanh, phát triển thương hiệu sang thị trường Nhật Bản của Saigon Food được đánh giá là sự lựa chọn khôn ngoan. Bởi khi Saigon Food được chào đón và có vị trí ở Nhật Bản - một thị trường khắt khe, cầu toàn thì đồng nghĩa với việc thương hiệu Saigon Food sẽ trở nên uy tín hơn, có một vị thế ổn định trên thị trường khu vực Châu Á.
Đình Đại
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo