Hỗ trợ doanh nghiệp

Sẽ kiểm tra việc Hoàng Anh Gia Lai nhập 30 nghìn tấn đường

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói như vậy tại phiên chất vấn chiều qua khi ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên) nêu thông tin Bộ Công thương đã từng hỏi ý kiến Bộ Nông nghiệp về việc cho phép Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30 nghìn tấn đường khô sản xuất tại Lào.

Bà Đặng Thị Kim Chi - ĐBQH tỉnh Phú Yên

Theo ĐB Đặng Thị Kim Chi, việc ưu tiên cấp quota cho một vài công ty thương mại và nhà máy đường nhập đường thô tinh luyện tiêu thụ nội địa kiếm chênh lệch giá, việc không kiểm soát được đường nhập lậu, chậm cho phép các nhà máy sản xuất đường từ mía được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã góp phần làm tồn kho lượng đường lớn, các nhà máy sản xuất đường từ mía điêu đứng có khả năng thua lỗ nặng và người nông dân trồng mía rơi vào cảnh khó khăn.

Để tháo gỡ tình hình trên ngày 9/10/2013 Bộ Công thương đã có Văn bản số 745 cho xuất khẩu đường RE qua cửa khẩu Lào Cai, ngành mía đường và người nông dân trồng mía chưa kịp mừng thì ngày 30/10 năm 2013 Bộ Công thương lại có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và một số bộ đề nghị cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30 nghìn tấn đường khô sản xuất tại Lào vào Việt Nam để tinh luyện rồi xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược - Lào Cai sẽ bịt đường xuất khẩu tiểu ngạch này đối với các nhà sản xuất đường mía trong nước.

Bà Chi đặt câu hỏi: Bộ trưởng là tư lệnh ngành phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng có ý kiến gì trước cái khó của ngành mía đường và của hàng triệu người nông dân trồng mía, bộ trưởng có đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương cho nhập đường thô tinh luyện rồi xuất khẩu qua của khẩu Bản Vược - Lào Cai, chặn đường xuất khẩu tiểu ngạch, chưa kể việc lén lút bán nội địa cũng đồng nghĩa với việc chặn đường sống của ngành mía đường trong nước và hàng triệu nông dân trồng mía hay không? Bộ trưởng có tham mưu giải pháp gì để cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong nước?

 

Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT
 
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, niên vụ mía đường năm 2013 - 2014 Việt Nam có 306.000 ha mía và sẽ sản xuất được 19,6 triệu tấn mía, sản xuất công nghiệp được khoảng 1,6 triệu tấn đường, cùng với tồn kho đến trước ngày 1/10 là 220.000 tấn, cộng với khối lượng sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO 53.000 tấn mía. Như vậy, tổng lượng của niên vụ này sẽ là 1.870.000 tấn.
 
“Chúng tôi ước nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 1.320.000 tấn, như vậy chúng ta sẽ dư khoảng 500.000 tấn. Vì thế nên nhập khẩu chỉ trong trường hợp bắt buộc theo cam kết quốc tế, còn mọi việc nhập khẩu khác theo chúng tôi nếu như làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường ở trong nước thì mới không nên.
 
Mặt khác chúng tôi cũng đang triển khai rất nhiều biện pháp để tiếp tục hỗ trợ ngành mía đường. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường trong nước, chúng tôi nhận thấy vấn đề chính của ngành mía đường của chúng ta hiện nay là năng xuất mía còn thấp so với những nước cạnh tranh vì thế trong 3 năm gần đây chúng tôi đã chỉ đạo liên tục để thực hiện các giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất mía và năng suất mía cũng tăng lên khá rõ rệt, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các giải pháp này”, ông Phát cho biết.
 
Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Kim Chi không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Phát và tiếp tục đặt câu hỏi: Bộ Công thương hỏi ý kiến Bộ Nông nghiệp và một số bộ thì Bộ Nông nghiệp cho khoảng 30 ngàn tấn này là của khoản khác hay cam kết quốc tế? Khoản này Bộ trưởng có cho nhập hay không?
 
Theo bà Chi, việc cho nhập đường thô rồi tinh luyện để bán như vậy thì nhà máy được nhập rất có lời, còn các nhà máy sản xuất từ nguyên liệu mía trong nước phải đảm bảo nguồn thu, đảm bảo vùng nguyên liệu và phải trợ giá, đảm bảo thu nhập, cuộc sống cho người nông dân cho nên người ta phải tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.
 
Bà Chi đặt câu hỏi: Nếu cho nhập thô như thế này thì quan điểm của Bộ trưởng khoản 30 ngàn tấn từ Hoàng Anh Gia Lai là như thế nào? Giải pháp để giải quyết khoản dư trên 500 ngàn tấn đường trong thời gian sắp tới như thế nào?
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Về việc có cho nhập khẩu 30 ngàn tấn của Công ty Hoàng Anh Gia Lai vào Việt Nam hay không? Tôi xin phép đại biểu và Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Công thương xem xét kỹ đề xuất của công ty và những điều kiện tạm nhập, tái xuất, sơ chế ở trong nước như thế nào? Nhưng tinh thần là chúng tôi thấy rằng trong nước đã dư thừa và bây giờ ngành nông nghiệp, ngành công thương sẽ phải phối hợp để tham mưu cho Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ đường để giữ giá mía có lợi cho nông dân. Đấy là mục tiêu và tất cả những gì phù hợp với mục tiêu ấy thì chúng tôi ủng hộ, còn những gì mà làm khó khăn thêm và làm cản trở mục tiêu đó thì cần phải hết sức cân nhắc thì xin được xem xét cụ thể, vì đây là một tình huống cụ thể, tôi chưa được rõ những chi tiết, nên xin phép không trả lời”.
 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo