Hỗ trợ doanh nghiệp

Sếp Vinatex: Khó tuyển thay thế hàng trăm người nghỉ hưu cùng lúc

Theo Giám đốc điều hành Vinatex, nếu 5-10 năm trước khó khăn của ngành dệt may là tài chính thì nay là lao động.

"Cạnh tranh lao động trong ngành dệt may hiện rất khắc nghiệt", ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phát biểu tại cuộc họp thông báo kết quả sản xuất kinh doanh nửa đầu năm sáng 30/7.

Theo ông Hiếu, "lao động" chính là chỉ tiêu chính duy nhất tập đoàn này chưa đạt kế hoạch nửa đầu năm nay. Ông kể, hiện đi tới nhà máy nào cũng thấy thông báo tuyển lao động. Nếu như cách đây 5-10 năm, chuyện quan tâm chính tại các doanh nghiệp dệt may là tài chính, thì nay là lao động. "Tại nhiều nhà máy dệt may có lượng nghỉ hưu vài trăm người một lúc, trong khi tuyển mới không đạt. Đơn cử như Nhà máy Dệt may Nam Định có 140 lao động nghỉ hưu theo chế độ, trong khi tuyển mới chỉ đạt 20 người", ông Hiếu chia sẻ.

Sản xuất áo sơ mi tại một doanh nghiệp thuộc Vinatex. 

Do đó, theo Giám đốc điều hành Vinatex, các doanh nghiệp trong ngành cần có tính toán, mở rộng đầu tư và ứng dụng công nghệ 4.0 vào các khâu, vị trí sử dụng nhiều lao động mà máy móc có thể thay thế. 

Ngoài khó khăn về  nhân sự, hầu hết các mục tiêu kinh doanh nửa đầu năm 2017 của Vinatex đều hoàn thành. Sau 6 tháng, công ty này đạt doanh thu gần 22.400 tỷ đồng, trong đó thị trường nội địa tăng khoảng 5% so với 2017. 

Mức lãi trước thuế thu về là 674 tỷ đồng, tăng 23,4% so với 2017; thu nhập bình quân lao động hơn 7,3 triệu đồng một người một tháng. Lợi nhuận tăng cao nửa đầu năm, theo ông Hiếu, do các dự án vận hành đã bắt đầu có lãi sau quá trình lỗ kế hoạch 2-3 năm đầu tiên. Nhà máy sợi Nam Định, sợi Phú Cường hiện đã có lãi sau 2 năm vận hành, rút ngắn lỗ kế hoạch so với dự kiến 1 năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng của Vinatex đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, riêng các mặt hàng may là 12,86 tỷ USD; vải 787 triệu USD… Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu gần 11 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Tính chung, ngành dệt may thặng dư 7,6 tỷ USD nửa đầu năm. 

Tại nhiều đơn vị của Vinatex đã có đơn hàng tới hết tháng 11, tháng 12. "Dệt may đang bước vào chuỗi tăng trưởng khác biệt so với các năm trước khi mức tăng quý I tăng 17-18% so với cùng kỳ trước đây", ông Hiếu chia sẻ.

 

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nửa đầu năm cùng với những diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, được xem là có lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng... cũng giúp giới phân tích dự báo dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 18,5 tỷ USD nửa cuối năm, nâng kim ngạch xuất khẩu că năm là 35 tỷ USD, vượt một  tỷ USD so với kế hoạch. 

Theo thống kê, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, kế tới là EU, Hàn Quốc...

Nên đọc


Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo