Hỗ trợ doanh nghiệp

Sự thất bại của Raden: Khi công nghệ tiên phong là chưa đủ

Raden từng được coi là một startup đầy triển vọng trong lĩnh vực hành lý thông minh (smart luggage). Nhưng sự thay đổi về chính sách bay của các hãng hàng không đã khiến startup này phải "dừng bước"

Raden là một trong số những công ty khởi nghiệp (startup) hiếm hoi hoạt động trong lĩnh vực hành lý thông minh (smart luggage). Thời gian đầu mới được giới thiệu ra thị trường, đây được coi là một startup hứa hẹn sẽ mang tới nhiều đột phá cho ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, những thay đổi bất ngờ trong chính sách bay của các hãng hàng không đã “cản bước” Raden, để rồi startup này phải thông báo dừng hoạt động vào nửa cuối tháng Năm vừa qua.

Một phần góc trưng bày trong showroom của Raden tại Soho. Ảnh: Huntershotandhipnyc.

Những tiềm năng đầy hứa hẹn

Khi mới ra mắt, vali của Raden đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông và người tiêu dùng, dù đây không phải sản phẩm vali thông minh đầu tiên và duy nhiết.

Điều gì làm cho hành ly thông minh của Raden trở nên hấp dẫn người dùng, bất chấp giá bán khởi điểm khá cao là 295 USD cho vali cỡ 22 inch và 395 USD cho vali 28 inch?

Đầu tiên là ứng dụng đồng hành đi kèm với vali thông minh cho phép người dùng biết những thông tin quan trọng như cân nặng và vị trí của hành lý khi chúng ra khỏi tầm nhìn của khách hàng. Vali còn được trang bị một thiết bị bluetooth, giúp người dùng có thể tìm kiếm hành lý của mình trong trường hợp thất lạc. 

Bên cạnh đó, ứng dụng đi kèm vali của Raden có tính năng trò chuyện trực tuyến, giúp dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ có thể trả lời trực tiếp cho câu hỏi của khách hàng trong thời gian thực. 

 

Ngoài ra, với môđun pin lithion dung lượng 7.800mAh trang bị hai cổng USB, vali thông minh của Raden cũng có thể dễ dàng sạc điện thoại hoặc máy tính xách tay của người dùng trong trường hợp cần thiết.

Vali thông minh Raden hứa hẹn sẽ giúp người dùng hạn chế nhiều phiến toái trong quá trình di chuyển. Ảnh: Raden.com.

Vỏ vali Raden được làm bằng Makrolon Polycarbonate, một loại vật liệu cao cấp có khả năng chống nứt vỡ. Bệ bánh xe trang bị lốp polyurethane giúp mang lại khả năng cơ động 360 độ cho vali của Raden.

Khi bắt đầu mở đơn đặt hàng trước hồi tháng 1/2017, đã có tới hơn 7000 khách hàng đặt mua sản phẩm này của Raden, trong đó có những người nổi tiếng như diễn viên Jessica Alba, diễn viên Mandy Moore và nhà trang điểm chuyên nghiệp Charlotte Tilbury.

Chỉ trong bốn tháng mở bán đầu tiên, Raden đã bán được số vali có tổng trị giá hơn 2 triệu USD thông qua kênh bán hàng trực tuyến của công ty và showroom tại Soho, New York (Mỹ).

Tuy những sản phẩm của Raden không phải là độc nhất trên thị trường, nhưng cùng với hai startup khác hoạt động trong cùng lĩnh vực là Bluesmart và Away, Raden đã tiến những bước đầu tiên, mở lối cho thị trường hành lý thông minh còn khá mới mẻ và ẩn chứa nhiều tiềm năng khai phá.

 

Khi công nghệ không theo kịp sự biến động về chính sách

Tuy nhiên, khi vẫn đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng, sản phẩm vali thông minh Raden đã gần như bị “kết án tử” bởi lệnh cấm pin lithium trong hành lý bay do các hãng hàng không tại Mỹ và cả quốc tế đưa ra.

Kể từ giữa tháng 1/2018, các hãng hàng không Mỹ gồm American Airlines, Delta Air lines, và Alaska Airlines không cho phép hành khách mang theo loại hành lý thông minh nếu khách không tháo bỏ pin lithium-ion trong các hành lý này.

Delta Airlines cho biết quyết định trên được đưa ra do các hãng bay lo ngại các cục pin có thể tăng nhiệt quá mức, gây nguy cơ hỏa hoạn nguy hiểm cho hành trình bay.

Ngay sau đó, các hãng hàng không khác tại Mỹ như United Airlines và Southwest Airlines, thậm chí là hãng bay quốc tế như Qantas Airways và Virgin Australia cũng áp dụng chính sách trên.

 

Chỉ bốn tháng sau khi quyết định cấm được đưa ra, Raden đã phải thông báo phải dừng hoạt động và không còn có thể xử lý các yêu cầu trả hàng hoàn tiền, thay đổi hay sửa chữa sản phẩm kể từ giữa tháng Năm năm nay.

Chỉ bốn tháng sau khi chính sách bay mới được áp dụng, Raden đã buộc phải đóng cửa. Ảnh: Huntershotandhipnyc.

Các chính sách mà các hãng hàng không áp dụng vào đầu năm 2018 đã ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới những sản phẩm hành lý thông minh sử dụng pin không thể tháo rời. Trước đó vào đầu tháng Năm, Bluesmart – một trong số ít những startup tiên phong trong mảng hành lý thông minh – đã phải tuyên bố đóng cửa do sản phẩm của họ hầu hết sử dụng pin gắn liền. 

Về lí thuyết, Raden bán ra những loại vali có pin tháo rời và sản phẩm này vẫn có thể qua cửa hầu hết các hãng hàng không, miễn là hành khách mang pin lên khoang cabin cùng họ.

Tuy nhiên, vấn đề là ngay cả khi Raden nỗ lực tuân thủ những chính sách mới của các hãng hàng không, chúng đã gây ra nhiều khó khăn cho cả người sử dụng, nhân viên sân bay và máy bay. Một số hành khách đến sân bay mà không biết về chính sách mới, trong khi những người khác sở hữu vali với pin có thể tháo rời vẫn gặp sự cố.

Từ mấy tháng nay, nhiều khách hàng đã lên Twitter để phàn nàn với công ty về những rắc rối của họ như phải chuyển đồ đạc sang một túi đựng khác vào những phút cuối cùng trước khi lên máy bay, hoặc gần như bị lỡ chuyến bay ngay cả khi mang theo loại hành lý phù hợp. Và một điều đáng buồn là khi gỡ bỏ pin, chiếc vali thông minh của Raden thực sự không khác gì so với những vali thông thường khác.

 

Góc nhìn của người trong cuộc và bài học cho các startup kế cận

Khi bắt đầu startup Raden, Giám đốc điều hành (CEO) Josh Udashkin đã từng muốn một phần trong chiếc “bánh” của ngành công nghiệp hành lý trị giá 40 tỷ USD. CEO Udashkin sử dụng công nghệ như một cách để phân biệt và cạnh tranh với các nhà sản xuất hành lý lớn như Samsonite, Tumi và Rimowa.

Thực tế, vali của Raden được sản xuất tại cùng một nhà máy Đài Loan nhận  gia công cho Tumi và Samsonite. Vị CEO này nhận định rằng ngành công nghiệp hành lý vẫn khá chậm chạp trước sự phát triển của công nghệ. Đó là lý do tại sao anh - và các công ty khởi nghiệp khác - có khả năng mang đến những đột phá cho ngành công nghiệp, giống như cách Uber đã làm với taxi truyền thống.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người có tầm nhìn cũng sẽ thành công.

CEO Udashkin nói rằng nếu anh huy động thêm vốn, có thể Raden đã cầm cự được. Udashkin chỉ huy động được khoảng 5 triệu USD, trong khi đối thủ cạnh tranh Away – startup gần như là duy nhất còn trụ lại trong lĩnh vực hành lý thông minh – đã kêu gọi được 31 triệu USD.

 

Nếu nguồn vốn dồi dào hơn, Udashkin có lẽ có thể phát triển Raden theo hướng một thương hiệu dành cho lối sống hiện đại, hoặc phát triển thêm các tính năng công nghệ mới. Nhưng Udashkin nói rằng anh không muốn kêu gọi nhiều vốn vì không muốn công ty đối mặt với những kỳ vọng không hợp lý từ nhà đầu tư. 

Sự thất bại của Raden là một bài học cho các startup muốn tiến vào lĩnh vực hành lý thông minh. Ảnh: Huntershotandhipnyc.

Song khi nói về lâu dài, CEO Udashkin tin rằng việc có nhiều nguồn vốn hơn sẽ chỉ là một biện pháp trong ngắn hạn. Vấn đề mà Raden gặp phải không chỉ dừng ở việc thiếu vốn mà còn sâu sắc hơn thế: Không giống như các thương hiệu thời trang có thể bán quần áo mới mỗi mùa, vali là một mặt hàng không được mua lại thường xuyên.

Một khi Raden thuyết phục được khách hàng mua vali, mối quan hệ giữa hai bên về cơ bản là kết thúc. Nếu cố gắng thuyết phục, Raden có thể bán cho khách hàng thêm một kiện hành lý ký gửi, hoặc vài phụ kiện du lịch nhỏ khác. Nhưng về lâu dài, những nguồn thu của Raden từ khách hàng như vậy rất hạn chế.

Trong khi các hãng thời trang dễ dàng thuyết phục khách hàng mua các sản phẩm mới chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, vòng đời một sản phẩm của Raden có thể kéo dài hàng năm trời

Thật dễ hiểu tại sao CEO Udashkin lại cảm thấy bi quan về tình trạng chung của ngành công nghiệp hành lý. Nhưng anh vẫn chưa đề cập đến một câu hỏi cơ bản: Nếu một startup sản xuất hành lý thông minh làm đúng nhiệm vụ của mình, mỗi khách hàng sẽ chỉ cần một chiếc vali trong cuộc đời của họ. Vậy công ty sẽ tiếp tục phát triển như thế nào?

 

Đó là một câu hỏi mà nhiều startup nếu muốn dấn bước vào thị trường hành lý thông minh cần phải tìm ra câu trả lời, trước khi họ lặp lại những thất bại như Raden.

Nên đọc
startup, Raden, công nghệ tiên phong, smart luggage, hành lý thông minh, công ty khởi nghiệp, vali, doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo