Tái cấu trúc VNPT: Bộ sẽ quyết định số phận
Dự kiến tháng 4 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ họp bàn với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) về đề án tái cấu trúc của tập đoàn này.
Nguồn tin cho biết, trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ là người thẩm định cùng với các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, sau đó VNPT sẽ tự trình đề án lên Chính phủ.
Tuy nhiên, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPT.
Với nghị định trên, một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bây giờ Bộ sẽ “đóng vai” xem xét đề án và sẽ chịu trách nhiệm trình Chính phủ đề án tái cấu trúc của VNPT.
Bộ dự kiến, việc xem xét, bàn bạc về đề án tái cấu trúc VNPT giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và tập đoàn VNPT sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 5, sau đó Bộ thống nhất và lấy xin ý kiến của các đơn vị bộ ngành liên quan và đến quý 2, Bộ sẽ họp và chính thức có kế hoạch về tái cơ cấu VNPT.
Năm 2012, đề án tái cơ cấu của VNPT từng được tập đoàn này trình lên Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khi đó cho VnEconomy biết, việc VNPT trình đề án tái cơ cấu của mình là trước khi đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” được Thủ tướng phê duyệt, đồng thời cũng trước cả đề án mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm và sắp tới trình Chính phủ.
Vì thế, theo Thứ trưởng Thắng, đề án đó (đề án của VNPT - PV) là chủ quan của doanh nghiệp, các bộ ngành cũng chưa họp, chưa có ý kiến chính thức về bất kỳ vấn đề gì.
Một số ý kiến cũng cho rằng, đề án tái cấu trúc của VNPT là “chưa hợp lệ”, vì chưa được xây dựng căn cứ trên các cơ sở hướng dẫn về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước từ các bộ ngành liên quan.
Câu chuyện về tái cơ cấu VNPT đã được “rục rịch” suốt năm 2012, thậm chí từ trước đó, tuy nhiên, có thể do những nguyên nhân chủ quan và khách quan nên đề án của VNPT vẫn chưa được Chính phủ thông qua trong năm 2012. Trong khi đó, cũng năm này, rất nhiều đề án của nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước khác đã được thông qua và doanh nghiệp đã bắt tay vào triển khai đề án tái cơ cấu.
Một điểm đáng chú ý và trở thành tâm điểm của dư luận là, trong đề án của VNPT trước đó, tập đoàn này mong muốn được hợp nhất MobiFone và VinaPhone (thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT, gọi tắt là VNPT - Mobile), được đề cập đến nhiều, tuy nhiên, mong muốn của VNPT đã không được ủng hộ từ dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế và một số nhà quản lý.
Nhật Minh
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo