Tai nạn lao động phần lớn do chủ quan
Gần 11 giờ, trời nắng nóng, nhưng tại một công trình xây dựng ở đường Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, nhiều NLĐ làm việc ở độ cao 20-25m không có dụng cụ BHLĐ, không lưới che chắn. Khi được hỏi, nhiều người cho rằng, họ không quen dùng dụng cụ BHLĐ. Ghi nhận tại tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, có 4 công trình xây dựng, nhưng NLĐ đều làm việc trong điều kiện không có dụng cụ BHLĐ. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM, cho biết: “Do lực lượng chức năng mỏng, thành phố lại có nhiều công trình xây dựng nên rất khó kiểm soát. Các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trong ngành xây dựng, nhất là tại các công trình vừa và nhỏ ở các quận, huyện vùng ven chiếm gần 70%”. Nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ thiếu việc làm nên vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường chật hẹp, thi công gấp, điều kiện khí hậu nóng bức, dụng cụ BHLĐ hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu còn khoán lại cho đơn vị, cơ sở nhỏ lẻ thi công nên nguy cơ xảy ra TNLĐ vẫn luôn rình rập…
Bộ LĐTB&XH nhận định, các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ là một trong những địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ và có số vụ TNLĐ cao nhất cả nước, trong đó Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… luôn là địa bàn trọng điểm. Tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra gần 700 vụ TNLĐ, trong đó có 37 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm 38 người chết và bị thương nặng. Nguyên nhân là do NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) còn nhiều chủ quan, xem nhẹ tính mạng, an toàn lao động (ATLĐ). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với 28 khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa, nhỏ xen lẫn khu dân cư, bên cạnh việc sử dụng nhiều trang bị, hóa chất mới, vật liệu nổ, không ít cơ sở còn sử dụng công cụ, phương tiện lao động cũ, thủ công.
Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu thực hiện công tác ATLĐ theo kinh nghiệm và hạn chế chi phí về bảo đảm ATLĐ, nên điều kiện, môi trường làm việc của NLĐ vẫn ít được cải thiện. Không ít chủ đầu tư khi triển khai công trình mới vội thuê mướn nhân công theo thời vụ. Khi các cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp để tuyên truyền cho NLĐ, thì có doanh nghiệp không mặn mà vì sợ phải tiêu tốn thời gian, ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp. Đây là những nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNLĐ thương tâm.
Để bảo vệ sinh mạng, sức khỏe NLĐ, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng: Từng địa phương cần thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa TNLĐ; đồng thời kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của công nhân, bảo đảm ATLĐ. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NSDLĐ và NLĐ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, có biện pháp thanh tra, kiểm tra xử lý kiên quyết các vi phạm.
Hiện nay, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh đang chủ động kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ mất an toàn, như: Công trình xây dựng, khai thác đá, khoáng sản, luyện kim… để chủ động có biện pháp phòng ngừa. Nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh còn chủ động đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng củng cố hệ thống kỹ thuật, ánh sáng, hệ thống điện nơi làm việc của công nhân và các kho, xưởng, mua sắm trang thiết bị BHLĐ, đồng thời tổ chức các hội thi: “Nhà xưởng xanh, sạch, đẹp, an toàn”, “Thi thợ giỏi”... xây dựng ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ cho cán bộ, nhân viên, NLĐ.
Miền Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp lớn nên thu hút nhiều NLĐ. Tại đây, có nhiều dự án, nhiều ngành nghề mới, áp dụng công nghệ, thiết bị, sử dụng vật liệu nổ, hóa chất mới tăng nhanh. Để bảo đảm ATVSLĐ, các địa phương cần phê duyệt, cấp phép dự án, các cấp cần xét kỹ năng lực sản xuất, công nghệ, kỹ thuật, yếu tố bảo đảm ATLĐ, đồng thời quản lý chặt chẽ dự án, chống việc khoán, bán dự án, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở để xảy ra TNLĐ do lỗi chủ quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo