Tăng lương tối thiểu 15% trong năm 2016?
Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp Bộ LĐ-TB-XH tổ chức, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cũng cho biết cuối tháng này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp và tháng 10 sẽ trình Chính phủ về mức tăng lương tối thiểu năm 2016.
Theo tin tức trên Tiền phong, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, có thể mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ bằng mức tăng của năm nay. Cụ thể, lương tối thiểu sẽ tăng thêm bình quân khoảng 15% mỗi vùng.
Theo ông Huân, người lao động luôn muốn có lương cao để đảo bảo cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, việc tăng lương sẽ thêm gánh nặng chi phí, trong khi đó năm 2016 sẽ tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, một số chính sách về lao động nữ, an toàn lao động cũng có hiệu lực… Đây là những vấn đề cần tính toán, cân nhắc hợp lý, hài hòa lợi ích các bên.
Cũng theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện doanh nghiệp còn khó khăn, nếu đẩy quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp sẽ khiến hàng hóa Việt kém cạnh tranh, trong khi năm tới Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Do đó, nếu giá thành tăng, lương tăng, nhưng năng suất lao động vẫn thấp sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
Theo tin từ Vietnamplus, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “VCCI đang lấy ý kiến của các hiệp hội về phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 để đưa ra thương lượng tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức tăng dự kiến chỉ hơn 10%.”
Ông Lộc cho biết, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là vấn đề rất lớn và nhạy cảm, có ý nghĩa quan trọng đối với cả phía sử dụng lao động, người lao động cũng như tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của nước ta thời điểm hiện nay.
Về cơ bản, điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được 2 yếu tố là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và vẫn duy trì được tính cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Ông Lộc phân tích, nếu tăng lương quá cao thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mất đi, kéo theo người lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm còn ngược lại, nếu mức tăng quá thấp, người lao động không thể sống được thì cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển.
Về vấn đề thời gian làm thêm giờ, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, cho rằng đây là cuộc đấu tranh giữa người lao động và chủ sử dụng lao động về giảm giờ làm, tăng tiền lương và cải thiện môi trường làm việc.
Ông cho biết quy định điều kiện làm thêm chỉ giới hạn không quá 200 giờ mỗi năm đã được tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia khác cũng quy định về điều kiện ràng buộc làm thêm giờ để hạn chế tình trạng người lao động phải làm tăng ca quá nhiều, dẫn tới không mở rộng sản xuất, sức khỏe người lao động không đảm bảo.
Tuy nhiên, ông thừa nhận quy định làm thêm 200 giờ/năm là quá cũ, và cho biết thêm, dự thảo hướng dẫn tới đây sẽ có thể nâng mức làm thêm 300 giờ/năm.
“Có ý kiến phía Hiệp hội đề nghị bỏ thỏa thuận này thay bằng thỏa thuận với công đoàn thì chúng tôi nói thật là không bỏ được vì công đoàn đại diện cho lợi ích của người lao động nhưng công đoàn không thể thay người chủ lao động để ký hợp đồng với người lao động được”, ông giải thích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm