Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Dệt may thưởng Tết bình quân 20 triệu đồng

(DNVN) - Người lao động tại khu vực phía Nam Tập đoàn dệt may (Vinatex) được nhận khoảng 16-20 triệu đồng tiền thưởng Tết, còn miền Bắc thấp hơn, 12-14 triệu đồng một người.

Tại Hội nghị tổng kết diễn ra ngày 9/1, bà Phạm Ngọc Hân, Trưởng Ban Quan hệ cổ đông và Thông tin truyền thông của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, với 28,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt may trong năm 2016 thì Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 11,8 tỷ USD. Tiếp đến là EU với 3,7 tỷ USD; Nhật Bản với 3,1 tỷ USD; Hàn Quốc với 2,6 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng trưởng 1 con số trong năm 2016 nhưng xét trong tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như các biến động kinh tế, chính trị lớn tại các thị trường chính, đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Hơn nữa, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, với 5,7% tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam được xếp ở mức cao nhất nhóm.

Kết thúc năm 2016, giá trị sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn ước đạt 38.353 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu toàn Tập đoàn ước đạt 2.511 triệu USD, tăng 5% so với 2015; kim ngạch nhập khẩu toàn Tập đoàn ước đạt 1.135 triệu USD, giảm 5% so với năm 2015.

Ảnh minh họa.

Doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn ước đạt 41.337 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế hợp cộng toàn Tập đoàn ước đạt ước đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Thu nhập bình quân ước đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2015.

Trong năm 2016, toàn Tập đoàn đã triển khai thực hiện 41 dự án đầu tư bao gồm 9 dự án Dợi, 9 dự án Dệt nhuộm, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị, tổng mức đầu tư toàn Tập đoàn là 5.523,7 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2016, công ty mẹ-Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ đầu tư đã triển khai thực hiện 08 dự án đầu tư, tới thời điểm hiện tại đã có 7 dự án đi vào sản xuất.

Cụ thể, dự án sợi, Nhà máy sợi Nam Định, dự án sợi Phú Cường với quy mô 2-3 vạn cọc, sản lượng 4.700-5.200 tấn/năm, thương mại điện tử từ 300-464 tỷ đồng đã đi vào sản xuất thử.

Dự án may: Nhà máy may Cần Thơ, nhà máy may Bạc Liêu, nhà máy may Lệ Thủy-Quảng Bình, nhà máy may Tuyên Quang, nhà máy may Quế Sơn với quy mô 20-29 chuyền, sản lượng 3-6,5 triệu sản phẩm/năm, thương mại điện tử từ 100-200 tỷ đồng đang triển khai nhà máy may Quế Sơn, còn lại đã đi vào sản xuất thử.

 

Dự án sản xuất vải Yarndyed phía Nam quy mô 10 triệu m2/năm, thương mại điện tử 403 tỷ đồng, sản lượng năm 2016 là 3,5 triệu m2, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2.

Taj Hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017, ngành Dệt may Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ các thách thức hiện tại, cụ thể ngành Dệt may sẽ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách thuế do các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực trong năm 2017. Tình hình cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu sẽ tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. Tổng thống Mỹ mới đắc cử với những chính sách mới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành Dệt may thế giới nói chung.

Cùng với đó, sự bất ổn của nền kinh tế EU với việc Thủ tướng Ý từ chức, cuối quý 1 năm 2017 sẽ chính thức thực hiện Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu dệt may của thị trường EU trong năm 2017.

Trước tình hình đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2017 được kỳ vọng sẽ nhiều khởi sắc hơn khi các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn thuận lợi, nhưng Chính phủ chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ ngành Dệt may.

Trước tình hình trên, Tập đoàn phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn tăng 14% so với 2016. Kim ngach xuất khẩu toàn Tập đoàn tăng 11%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 9%. Doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế hợp cộng toàn Tập đoàn tăng 6%. Lao động bình quân toàn Tập đoàn tăng 3%. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn tăng 4% so với năm 2016.

 

Liên quan đến vấn đề thưởng Tết, ông Trường cho biết, năm 2016 thu nhập bình quân người lao động trong tập đoàn tăng 8% so với năm 2015, số lao động toàn tập đoàn khoảng 82.600 người. Dù 2016 là năm khá khó khăn với ngành dệt may nhưng kết thúc năm mỗi lao động tại Vinatex vẫn được nhận 2 tháng lương.

“Doanh nghiệp làm ăn kém nhất cũng thưởng cho người lao động một tháng, còn đơn vị làm ăn tốt nhất thì thưởng 3 tháng lương. Mức thưởng này tương đương với năm 2015, đây là khoản nuôi dưỡng trong tương lai”, lãnh đạo Vinatex cho biết. Với mức thưởng này, lãnh đạo Vinatex tính toán, người lao động tại khu vực phía Nam được nhận khoảng 16-20 triệu đồng tiền thưởng Tết, còn miền Bắc thấp hơn, 12-14 triệu đồng một người.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo