Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn điện lực bất ngờ báo lỗ gần 930 tỷ đồng

(DNVN) - Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn điện lực Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị này lỗ gần 930 tỷ đồng.

Thực hiện quy định về việc công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 của Chính phủ, Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2016.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, EVN đạt mức doanh thu gần 131.000 tỷ đồng, tăng 17% (hơn 19.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính của EVN đạt hơn 3.300 tỷ đồng; chi phí tài chính là 15.400 tỷ đồng trong đó chi phí lãi vay, lãi trái phiều là 6.900 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của EVN.

Kết quả trên đã khiến EVN bất ngờ báo lỗ 716 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt, lỗ của công mẹ lên đến gần 930 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái tập đoàn này vẫn lãi hợp nhất 1.271 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết, trong 6 tháng tổng lãi hoạt động sản xuất của EVN là 5.814 tỷ đồng.  
Tuy nhiên, do cơ cấu nợ vay ngoại tệ lớn đặc biệt là vốn ODA bằng đồng Yên Nhật do đó tập đoàn đã bị lỗ tỷ giá 6.371 tỷ đồng. Theo quy chuẩn hạch toán tỷ giá vào báo cáo tài chính nên tập đoàn rơi vào thua lỗ.  

"Nguyên nhân lỗ sau thuế của báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn là do lỗ chênh lệch tỷ giá. Cụ thể là tỷ giá đồng Yên Nhật tăng mạnh. Theo Thông tư số 200 năm 2014 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá của các khoản mục công nợ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính”, ông Tri nói.

Hiện EVN là tập đoàn nhà nước có mức vay nợ lớn nhất. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD. 

Cuối năm 2015 nợ vay được Chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 26 tỷ USD, trong đó EVN đã chiếm tới 37,3%. Do đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc EVN và các công ty điện lực phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo