Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Hóa chất lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ

(DNVN) - Theo tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn của một số dự án như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2...

Theo quyết định thành lập này thì Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất sẽ là trưởng Ban chỉ đạo. Tổng giám đốc Tập đoàn làm phó trưởng ban. 20 thành viên còn lại thuộc Ban chỉ đạo đang đảm nhận các vị trí, công việc liên quan khác. 

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn. 

Các dự án và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất cần giải quyết các vấn đề tồn tại gồm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình/Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc/Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2/Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem và Công ty cổ phần DAP - Vinachem.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Trước đó, vào giữa tháng 1/2017, Bộ Công Thương đã công bố kết luận về thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình.

Tại Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.

Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 47.910.220 USD tương đương với 1.025 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2014). Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỷ đồng.

Cũng theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi nhưng thực tế năm 2015 (năm thứ 4) Công ty lỗ 364 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Dự án không có hiệu quả về kinh tế, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên, không đảm bảo hiệu quả về mặt xã hội.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo