Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Tata muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng

Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã được phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW, ở Sóc Trăng.
Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), cho biết, họ vừa nhận được thư từ Chính phủ Việt Nam về việc cho phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng.
 
Không cung cấp thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả chi phí đầu tư, song đại diện của Tata Power cho biết, sự chấp thuận về nguyên tắc của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Tata Power đặt nền tảng cho việc triển khai dự án này. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo để chuẩn bị đầu tư dự án”, đại diện của Tata Power nói.
 
Long Phú 2 là dự án điện đầu tiên của Tata ở thị trường Việt Nam. Đây là một trong 3 nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Nhiệt điện Long Phú 1, công suất 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Long Phú 2, có cùng công suất, đã được giao cho Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư từ tháng 5/2010. Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, do phải tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án thủy điện, nên Tập đoàn Sông Đà đã xin trả lại dự án này.
 
Nếu mọi kế hoạch suôn sẻ, Nhiệt điện Long Phú 2, sẽ cùng các dự án điện khác, đang được chuẩn bị xây dựng, bổ sung một nguồn năng lượng lớn cho quốc gia.
 
Việc tham gia vào Nhiệt điện Long Phú 2 có thể coi là một sự trở lại của Tập đoàn Tata, sau kế hoạch đầu tư dự án thép 5 tỷ USD ở Hà Tĩnh - cho tới giờ này vẫn chưa đạt được bất cứ tiến bộ nào.
 
Chính thức ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào giữa năm 2007, dự án thép 5 tỷ USD này có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2015.
 
Nhắm tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án thép Tata đã từng được coi là một điểm nhấn quan trọng cho ngành thép. Tuy nhiên, kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là chưa thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
 
Có diện tích đất dự án lớn, khoảng trên 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh không đủ lực để chi trả cho khoản tiền này. Song nhà đầu tư Tata lại chỉ cam kết ứng trước 30 triệu USD tiền đền bù giải phóng mặt bằng, giống như một nhà đầu tư khác cũng đang đầu tư ở KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
 
Đã có những đồn đoán về việc Tata sẽ rút khỏi dự án này ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo khẳng định từ phía Tata, thì hiện tại, Tập đoàn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến vấn đề này.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo