Hỗ trợ doanh nghiệp

Taxi Hà Nội rục rich tăng cước theo giá xăng

Ba đợt tăng giá xăng liên tiếp trong hơn 30 ngày khiến các hãng taxi thủ đô không còn kham nổi với giá cước hiện nay. Taxi TP HCM vẫn cố gắng cầm cự.

(VnExpress) "Đây là thời khắc khó khăn nhất trong sự phát triển của ngành taxi cho đến nay", ông Đặng Xuân Cử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nasco, đơn vị chủ quản của hãng Taxi Airport chia sẻ với báo chí một ngày sau khi giá xăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.


Nhiều hãng taxi cho biết sẽ tăng cước để tương thích với sự thay đổi của giá nhiên liệu, nhưng mức tăng cụ thể đang được cân nhắc kỹ trước khi áp dụng. Sẽ không có chuyện xăng tăng giá bao nhiêu thì cước tăng bấy nhiêu, nhất là trong thời buổi hành khách thắt lưng buộc bụng như hiện nay. "Nếu không tăng giá, người gánh lỗ đầu tiên là các tài xế, sau đó là doanh nghiệp", đại diện một hãng taxi phía Bắc nói.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình chia sẻ các doanh nghiệp thực lòng không muốn tăng giá cước. Hiện nay, mặt bằng cước tại Hà Nội thấp hơn TP HCM khoảng 1.000 đồng, rẻ hơn Đà Nẵng 1.000-1.500 đồng mỗi cây số, khi so sánh giữa hai xe cùng chủng loại. Rẻ hơn là thế, nhưng các thành viên của Hiệp hội đều sợ phải nâng giá vì điều này sẽ khiến lượng khách đã giảm lại càng ít hơn nữa trong thời gian tới.

"Gộp 3 lần tăng gần đây, mỗi lít xăng đã đắt hơn 1.200 đồng, 2 lần trước, chúng tôi vẫn chưa tăng giá nhưng lần này buộc phải làm thôi. Dự kiến trong vài ngày tới, các hãng sẽ phải cân nhắc lại bài toán cước phí", ông Bình cho biết.

Các hãng taxi tại TP HCM hiện chưa có kế hoạch thay đổi giá cước. Ông Võ Thanh Tùng, chủ Happy Taxi cho biết vẫn cố gắng cầm cự chứ không nâng giá cước. Nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng một lần nữa, hãng này chắc chắn điều chỉnh theo vì chi phí đầu vào vượt quá khả năng gói ghém của doanh nghiệp. Hiện đơn vị này có hơn 200 xe. Giá mỗi km cho xe 7 chỗ của Happy Taxi khoảng 14.000 đồng. Riêng tiền đóng phí bảo trì đường bộ cả năm khoảng 600 triệu đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ khẳng định hiện chưa nhận được bất cứ đề nghị tăng giá cước nào của các đơn vị thành viên.

"Nếu giá xăng lên và các loại dịch vụ đều điều chỉnh theo sẽ gây rối loạn trên thị trường. Nhưng các doanh nghiệp đều đang phải gồng mình chịu đựng, nên nếu chỉ thêm một đợt giá nhiên liệu điều chỉnh nữa thì bắt buộc phải suy xét lại", ông Hỷ nhận xét.

Hãng Vinasun cũng vừa phát đi thông cáo cam kết không tăng giá cước và hỗ trợ thêm tiền cho tài xế. Mỗi ca, tài xế có thêm khoảng 5.000-20.000 đồng. Với cả nghìn xe đang hoạt động, mỗi ngày, hãng sẽ phải tăng chi phí thêm vài chục triệu đồng, chỉ tính riêng hỗ trợ tài xế.

Về vận tải, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, các doanh nghiệp vận tải luôn dòm ngó nhau mỗi lần giá nhiên liệu lên hay xuống. Do đó, thường trong khoảng thời gian 10-15 ngày sau khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp chưa thay bảng giá mới.

Đại diện Công ty vận tải Công Thành, doanh nghiệp sở hữu hàng nghìn xe đầu kéo, rơmoc chạy từ TP HCM đi các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An... lên phương án hạn chế rủi ro do biến động giá nhiên liệu. Theo đó, khi ký hợp đồng với khách hàng, Công Thành nêu rõ việc giá vận chuyển sẽ được điều chỉnh theo nhiên liệu như: xăng tăng, giá vận chuyển tăng, xăng giảm, giá giảm.
 
 
Thanh Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo