Hỗ trợ doanh nghiệp

Tết không lương, không thưởng: CEO tự hại mình

Nỗi lo tài chính, không lương, không thưởng đang bao trùm không khí của nhiều doanh nghiệp những ngày cuối năm. Làm thế nào để công nhân viên có cái Tết đầm ấm, để doanh nghiệp trụ vững sang năm mới trên thương trường. Đó là hai câu hỏi mà CEO (cổ đông của Công ty) không dễ tìm ra lời giải thỏa đáng.

Cuối tuần trước, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã đem chủ đề này đến cho khán giả cùng xem và bàn luận về động thái của một trong những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội, chuyên kinh doanh các loại máy móc văn phòng (máy fax, máy in, scanner, máy tính, linh kiện máy photocopy…) về ý định cho toàn bộ nhân viên nghỉ Tết dài ngày không lương, không thưởng.

 
 
 Bà Nguyễn Thị Kiều Phương Trang, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát (ngồi giữa) trong vai CEO kỳ này
 
 
Trước ý định này của CEO, cả đại diện công đoàn lẫn Phòng Nhân sự đang tỏ rõ sự bức xúc của mình.
 
Ngay sau khi phát sóng, chủ đề này đã nhận được  phản hồi của nhiều khán giả. Bạn Nguyễn Ánh (Hà Nội) chia sẻ sự đồng cảm với các công nhân viên đang làm việc tại những doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng này.
 
“Việc để nhân viên phải chịu một cái Tết không lương, không thưởng thì khó có thể đảm bảo tinh thần làm việc của nhân viên. Công ty nên tìm cách chi trả cho nhân viên một phần và chia sẻ với nhân viên những khó khăn mà Công ty gặp phải. Nếu như nhân viên hiểu được những khó khăn của Công ty, họ sẽ dễ chấp nhận hơn. Đồng thời, các lãnh đạo Công ty phải chi tiêu tiết kiệm trong dịp Tết tránh để nhân viên bàn tán về các khoản chi không cần thiết. Ngoài ra, CEO cần có cam kết sẽ có những bồi thường xứng đáng cho nhân viên trong năm tới, khi Công ty có biện pháp kinh doanh hiệu quả hơn”, bạn Nguyễn Ánh cho biết.
 
Trong khi đó, bạn Phạm Dương cũng kịch liệt phản đối về ý định của CEO. “Doanh nghiệp gặp khó khăn thì mỗi công nhân đều phải cùng chia sẻ, nhưng cách biểu hiện làm sao cho đúng. Họ làm việc cả năm trời, để vào những ngày lễ Tết, họ có thể gác lại mọi mệt nhọc để quây quần bên gia đình, có thể sắm cho con thêm bộ áo mới, để mua vài cái bánh chưng, một ít củ kiệu đón tết… Tất cả những thứ đó đều dựa vào tiền thưởng Tết. Do đó, việc cắt tiền thưởng Tết là điều không thể chấp nhận được”, bạn Phạm Dương nói.
 
Nhiều quan điểm được tổng hợp từ fanpage của Chương trình này cho thấy, trong bối cảnh nhạy cảm, CEO nên họp mặt công nhân; nói chuyện, thăm hỏi họ và sau đó là thông báo khó khăn của Công ty, có thể sẽ giảm ít tiền thưởng. Thậm chí, CEO và HĐQT nên trích một phần nhỏ tiền thưởng của mình, để công nhân thấy họ không bị bỏ rơi. Như vậy, công nhân sẽ nhận ra trong lúc gặp khó khăn, song Công ty vẫn cố gắng lo cho họ cái Tết êm ấm, họ sẽ làm việc hết lòng hơn cho doanh nghiệp.
 
Có ý kiến còn nêu lên việc làm khá đẹp trong mắt cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Có những thời điểm, Samsung cũng gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, song Ban giám đốc Tập đoàn đã tự nguyện nhận ít lương, thưởng hơn, thậm chí có vị  lãnh đạo còn không nhận tiền thưởng. Họ cương quyết không cắt lương thưởng của người lao động, vì khó khăn đang gặp phải là trách nhiệm của Ban lãnh đạo. Người lao động chỉ làm theo sự điều hành của Ban lãnh đạo. Họ đã làm hết sức mình và xứng đáng nhận được một mức thưởng Tết trọn vẹn.
 
Những ý kiến phản hồi nêu trên của khán giả cộng với sự phản đối của Phòng Nhân sự và đại diện công đoàn của Công ty qua cuộc đối thoại căng thẳng tuần qua, khiến đường ra của CEO gần như bế tắc.
 
“Tôi cũng đã nỗ lực hết mình để thuyết phục đại diện người lao động, nhưng dường như đều đi vào ngõ cụt. Có lẽ, tôi cần lời tư vấn gấp từ các chuyên gia, vì chỉ còn gần 2 tuần nữa là Tết rồi”, vị CEO này chia sẻ.
 
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP.HCM) và ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc quản lý Chiến lược Tập đoàn FPT là hai chuyên gia tư vấn cho CEO trong cuộc gặp cuối tuần này. Hy vọng, CEO sẽ tìm ra giải pháp tối ưu.
 
 
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo