Hỗ trợ doanh nghiệp

Tham vọng của các ông lớn khi lấn sân nông nghiệp

Lợi nhuận còn khiêm tốn so với với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư song nhiều tập đoàn vẫn tự tin về triển vọng khi lấn sân vào nông nghiệp.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp tiên phong dấn thân vào nông nghiệp. Năm 2008, nhận thấy lĩnh vực bất động sản có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và theo chu kỳ, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã quyết định sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô. Năm 2014, bầu Đức tiếp tục bắt tay vào kế hoạch phát triển đàn bò 100.000 con.

Một thời gian, doanh nghiệp này phải tái cấu trúc các khoản nợ và đã chọn mảng nông nghiệp làm ngành cốt lõi dịch chuyển hẳn từ chăn nuôi sang trồng trọt, tận dụng quỹ đất dôi dư, nhắm vào 17 loại cây ăn trái. Năm 2016 thanh long, chanh dây được bán ra thị trường. Sau đó có thêm chuối, xoài có mặt trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Tập đoàn đóng gói, phân phối trực tiếp sang thị trường Trung Quốc qua các tập đoàn bán lẻ lớn.

Chuối của Hoàng Anh Gia Lai được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc.

Theo báo cáo tài chính quý bốn năm 2017 của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã CK: HNG), sau khi trừ giá vốn bán hàng, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp từ các loại trái cây như chuối, chanh dây, ớt… hơn 893 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính trên 54%, vượt xa mức 40% như dự đoán của nhiều công ty chứng khoán.

Mới đây, riêng trồng ớt mang về cho Bầu Đức mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên HAGL Agrico ghi nhận doanh thu từ vườn ớt gần 1.000 hecta trồng tại Gia Lai và Rattanakiri (Campuchia).

Năm nay, tập đoàn này vẫn kiên trì triển khai chiến lược đặt ra, trong đó quan trọng nhất là mở rộng diện tích vườn cây ăn trái. Theo ông Đức, lĩnh vực này tốn ít thời gian, giá bán cao, quay vòng vốn nhanh nên "còn gì trong nhà sẽ dốc hết vào". Ông cũng xác định, bất cứ ngành nào cũng có rủi ro, cây ăn trái cũng không ngoại lệ, dù vậy ông đã chủ động lập ra nhiều hàng rào phòng vệ.

Nhắc đến những đại gia tay ngang sang nông nghiệp, không thể không kể đến Vingroup. Năm 2015, nhận thấy đây là lĩnh vực đáng đầu tư và sẵn vài chục hécta đất nông nghiệp, ông lớn bất động sản bắt tay để thực hiện tham vọng giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch với giá không đắt đỏ.

Nhiều doanh nghiệp lớn xác định trọng tâm phát triển nông nghiệp thời gian tới. 

VinEco, thành viên của Vningroup được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng có mặt tại nhiều địa phương, tập trung trồng trọt, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

 

Công ty áp dụng mô hình sản xuất tập trung, khép kín, sẽ cung cấp rau củ quả sạch cho người dân đồng thời nhắm đến xuất khẩu.

Hệ thống Vinmart là điểm cuối, khép kín chu trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến bán lẻ không chỉ tối ưu về giá thành mà còn đảm bảo về chất lượng cho nông sản. Ngoài ra, VinEco cũng sẽ cung cấp cho các đối tác khác nhằm đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận sản phẩm an toàn với giá thành hợp lý.

Mới đây, Vingroup đầu tư nông trường thông minh rộng 20ha tại Hội An (Quảng Nam). Đây là một trong những nông trường hiện đại nhất của Vingroup với công nghệ canh tác thông minh, thiết bị nông nghiệp tân tiến.

Sau 3 năm, đến nay, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường với tổng diện tích sản xuất gần 3.000 ha với nhiều phương pháp canh tác công nghệ nông nghiệp cao. Hiện mỗi tháng đơn vị này cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản với đa dạng chủng loại như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây…

Năm 2015 được ghi nhận là thời điểm mà ngành nông nghiêp đón nhận nhiều tên tuổi lớn gia nhập, Hòa Phát là một ví dụ. Sau khi thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vốn điều lệ 300 tỷ đồng, doanh nghiệp đã nhập 500 con lợn giống vận chuyển bằng đường hàng không từ Đan Mạch về Việt Nam để thực hiện kế hoạch mảng chăn nuôi.

 

Đầu năm 2016, tập đoàn này đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng. Khi đó lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi sẽ góp 30% vào lợi nhuận của tập đoàn.

Tại Đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 3 năm nay, khi nhắc đến việc đầu tư các lĩnh vực mới, lãnh đạo tập đoàn này cho hay, nguyên tắc của Hòa Phát là không bỏ chung trứng vào cùng một giỏ, lấy số lượng nhỏ lẻ hơn là dồn vào một thị trường.

Doanh nghiệp dự kiến, giữa năm nay, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời cung cấp heo giống cho Việt Nam. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ cấp trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Australia. Mục tiêu của Hòa Phát trong 5 năm tới là đạt sản lượng 450.000 đầu heo thương phẩm, 75.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch.

Nhìn nhận về việc lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp chưa đột biến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long thừa nhận, lĩnh vực nông nghiệp hiện rất cạnh tranh và công ty cũng phải dành nhiều chi phí cho hoạt động đầu tư.

Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển được đánh giá là có bước đi "âm thầm" vào nông nghiệp bởi chỉ xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước. Hiện, doanh nghiêp này sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp như: Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods... với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 

Song có vẻ như ông Hiển muốn tập trung vào khâu dịch vụ nông nghiệp thay vì theo đuổi hướng nuôi trồng. Đầu năm nay, doanh nghiệp ra mắt thương hiệu T.Vita - thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn này với một số sản vật như: chè Vigecam, rau muống tiến vua Vegetexco...

Ông Hiển cho biết xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao với mong muốn thay đổi căn bản nền nông nghiệp manh mún hiện tại của Việt Nam theo hướng bền vững.

Cũng theo con đường mua bán - sáp nhập (M&A), đại gia chứng khoán là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp sạch cách đây 3 năm.

Khi đó, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình - PAN Pacific của ông Nguyễn Duy Hưng đã chi 1.500 tỷ đồng vào các công ty nông nghiệp có tiếng để chiếm cổ phần chi phối.

Mục tiêu ban đầu là xây dựng hệ thống nền tảng nông nghiệp và thực phẩm trong chuỗi giá trị "Farm-Food-Family". Sau đó, PAN sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín, chuyển sang xây dựng hệ thống phân phối nhằm cung cấp những sản phẩm nông sản, thực phẩm có chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc ra thị trường.

 

Lý giải việc lấn sân này, ông Hưng cho hay, ngoài việc cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn; xây dựng những thương hiệu Việt trong nông nghiệp nổi tiếng thế giới, PAN cũng tỏ rõ tham vọng trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo thường niên của PAN, hiện tập đoàn có 150 nhà phân phối cùng 132.000 điểm bán hàng trên địa bàn cả nước. Năm 2017, doanh thu lĩnh vực nông nghiệp (PAN Farm) đạt 1.520 tỷ đồng, đóng góp 37,3% vào tổng doanh thu cả tập đoàn.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo