Thấy gì từ chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt?
Thực tế cho thấy, năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Hiệu quả thấp
Tổng cục Thống kê vừa công bố các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp trên cả nước. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong cả nước năm 2017 đạt kỷ lục và là mức cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2017 có 45,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 35,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới); 16,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%); 16 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng (chiếm 12,6%); 9,4 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…
Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2016 và nếu tính cả 1.869 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2017 có 34/63 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với năm 2016 và cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, một số tỉnh tăng cao như: Bến Tre tăng 272%; Thanh Hóa tăng 110%; Hà Giang tăng 45,9%; Hưng Yên tăng 45%...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đa số các địa phương này có số doanh nghiệp đang hoạt động không nhiều vì chỉ tăng thêm một lượng doanh nghiệp nhỏ cũng khiến tỷ lệ % doanh nghiệp tăng mạnh.
Điển hình như Bến Tre, hiện chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động và năm 2017 có thêm 600 doanh nghiệp thành lập mới nên tỷ lệ tăng mạnh. Song nếu tính về số lượng doanh nghiệp hoạt động thì không bằng một quận tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, năm 2017 cả nước có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016 (năm 2016 có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động). Cũng trong năm qua, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước là 21.684 doanh nghiệp, tăng 8,9% so với năm 2016.
Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, nhưng năm 2017 tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2016.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong 2 năm gần đây. Cùng với số lượng, tỷ lệ tăng vốn của các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng mạnh.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có mức tăng trưởng nhanh, nhưng thực tế năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động vẫn còn thấp hơn khá nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Đây cũng là vấn đề mà các cấp, ngành đang quan tâm, tìm giải pháp thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Coi trọng khu vực kinh tế tư nhân
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, năm 2016, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước tại thời điểm 31/12/2016 là 505.067 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 tăng 10,4% số doanh nghiệp/năm; tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp đạt 17,4 triệu tỷ đồng.
Khu vực kinh tế, dịch vụ là khu vực hiện có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất và cũng là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tại thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực này là 354.244 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 khu vực này tăng thêm 11,5% số doanh nghiệp/năm.
Khu vực kế tiếp có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn là công nghiệp và xây dựng. Tại thời điểm 31/12/2016, khu vực này có 146.376 doanh nghiệp đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 khu vực này tăng thêm 8,0% số doanh nghiệp/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít, thời điểm 31/12/2016 khu vực này chỉ có 4.447 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 khu vực này tăng thêm 9,6% số doanh nghiệp/năm.
Năm 2016, tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp đạt 17,4 triệu tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 962.2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016 khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%/năm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong thời gian tới Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý; đồng thời tạo thuận lợi để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Cùng với đó, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế trong doanh nghiệp theo hướng sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI một cách hiệu quả và đặc biệt khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuộc sống để sớm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo