Hỗ trợ doanh nghiệp

Thấy gì từ việc giảm thu hút vốn FDI

Thông tin do lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh công bố, trong quý I-2012, mặc dù số dự án đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) được TP. Hồ Chí Minh cấp phép tăng, nhưng tổng số vốn đầu tư lại giảm đến hơn 96%.

Theo nhiều ý kiến, nguyên nhân khiến vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh được cho là do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn và biến động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không hoàn toàn như vậy.

 

Đi tìm nguyên nhân sâu xa

 

Nguyên nhân nội tại trước hết xuất phát từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

 

Trong giai đoạn chuyển mình theo quy hoạch hướng đến giảm thiểu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động để tập trung phát triển đến các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao và dịch vụ, TP. Hồ Chí Minh phải chấp nhận “mất” một số doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn muốn rót vốn vào TP. Hồ Chí Minh để tận dụng khối nhân công lao động khổng lồ giá rẻ quy tụ nơi đây.

 

Mặt khác, chính những doanh nghiệp nội địa, cũng trong phạm trù thâm dụng lao đông và sản xuất các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đã và sẽ phải tự động dời chuyển trụ sở, nhà máy ra vùng ven giáp ranh thành phố.

 

Khi doanh nghiệp nội địa dịch chuyển, tự động một số các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư FDI gắn với những doanh nghiệp nội địa này trong chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu hàng hoá và gia công đến xuất khẩu thành phẩm cũng sẽ phải có sự cân nhắc, định vị lại vị trí đầu tư.

 

Theo đó, những ngành khiến dòng vốn đầu tư FDI “chảy” sang Đồng Nai, Bình Dương sẽ là sản xuất thức ăn chăn nuôi, dệt may, sản xuất sắt, thép và một số ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Bên cạnh đó, vai trò trung tâm với giá mặt bằng hạ tầng đắt đỏ cũng khiến thành phố mất đi một số lợi thế cơ bản về môi trường đầu tư. 

 

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HĐTV Công ty phát triển phần mềm Quang Trung, hiện một số khó khăn khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại khi đăng ký đầu tư vào các khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài nhân công quản lý chất lượng cao còn ít, các chi phí phụ trợ như điện, nước ít được cam kết dài hạn, còn có nguyên do chính là vốn đầu tư cho hạ tầng bất động sản quá cao.

 

Mặc dù nhà đầu tư đã được chính sách ưu đãi thuê đất giá thấp, nhưng nếu tính tổng vốn đầu tư và quá trình thu hồi vốn thì vẫn chậm và theo đó không hấp dẫn được nhà đầu tư.

 

“Chủ trương tạo quỹ đất, giao đất sạch, để thu hút FDI đầu tư công nghệ cao và tiền thuê đất, các chính sách đi kèm ít biến động ít nhất trong vòng 5 năm sẽ giúp gia tăng thu hút vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới” - ông Dũng nói.

 

Thấy gì từ tỉnh bạn

 

Tại Đồng Nai - địa phương lân cận TP. Hồ Chí Minh - quý I/2012 đã đột phá bất ngờ về thu hút vốn FDI. Năm 2012, tỉnh Đồng Nai đặt chỉ tiêu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ở Đồng Nai khá khiêm tốn so với mọi năm, khoảng 850 triệu USD.  

 

Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2012, các khu công nghiệp tại Đồng Nai đã thu hút được 775 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 15 dự án được cấp mới với tổng vốn trên 530 triệu USD và 21 dự án tăng vốn với trên 240 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 9 dự án cấp mới và 17 dự án tăng vốn của cùng kỳ năm ngoái.

 

Tính chung thì thu hút FDI vào các khu công nghiệp ở Đồng Nai đã đạt trên 90% kế hoạch năm. So với cùng kỳ 2011, lượng vốn này tăng xấp xỉ gấp 9 lần. Đồng Nai cũng đã thu hút được một số dự án đầu tư FDI đã có tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.

 

 

Dù sút giảm vốn đầu tư FDI nhưng đó vẫn chưa phải là tín hiệu xấu với nền kinh tế đầu tàu cả nước.

Trong khi đó, nếu không tính dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho dự án tấm pin năng lượng mặt trời của Tập đoàn First Solar với số vốn 1 tỉ USD, thì tổng số vốn đầu tư cấp mới và số vốn tăng của các dự án đầu tư FDI khác tại TP. Hồ Chí Minh giảm trên 46% so với cùng kì.

 

Cụ thể, tổng số dự án FDI được TP. Hồ Chí Minh cấp phép đầu tư mới là 59 dự án, tăng 1,7%, với tổng số vốn đầu tư đạt trên 39,44 triệu USD, giảm 96,5% so với cùng kì.

 

Bên cạnh đó có 13 dự án tăng vốn, với tổng số vốn 26,3 triệu USD. Tính chung thì thu hút FDI vào TP. Hồ Chí Minh (loại trừ dự án First Solar) chỉ đạt 65,74 triệu USD – khá thấp so với 770 triệu USD mà Đồng Nai đã thu hút được.

 

Không chỉ có Đồng Nai, trong quý I/2012, vốn FDI đăng ký vào Bình Dương đạt 1 tỉ 462 triệu USD, gồm 21 dự án mới với vốn đầu tư là 1 tỉ 238 triệu USD và 25 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm là 224,3 USD, vượt chỉ tiêu thu hút FDI của tỉnh trong cả năm 2012 đã đặt ra trước đó là khoảng 1 tỉ USD.

 

Sự “vượt mặt” của 2 tỉnh bạn có thể là bất ngờ, nhưng không nằm dự đoán khi đây vẫn là hai khu vực có địa giới giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, vị trí địa lý và giao thông khá thuận lợi, lại có những chính sách ưu đãi và nỗ lực gọi vốn đầu tư rộng mở.

 

Thiết nghĩ, dù sút giảm vốn đầu tư FDI nhưng đó vẫn chưa phải là tín hiệu xấu với nền kinh tế đầu tàu cả nước. Một sự đánh đổi” của giai đoạn chuyển dịch cơ cấu và tái cơ cấu nền kinh tế là tất yếu. Nhưng dù sao, để cân bằng được điều này, chắc chắn TP. Hồ Chí Minh sẽ phải năng động nhiều hơn trong gọi vốn đầu tư.

 

 

Theo DĐDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo