Thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ba Huân, Thương mại và đầu tư Biển Đông… đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Triển khai tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ.
Cùng với đó, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp giúp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đến nay, cả nước có trên 5.000 doanh nghiệp quy mô công nghiệp với khoảng 1,5 triệu lao động; hình thành và phát triển hệ thống chế biến bảo quản nông sản gắn kết với vùng nguyên liệu, một số ngành có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới.
Để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đến với nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 (thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP) về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đang chuẩn bị xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định; Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Ngân hàng Nhà nước xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Ngoài ra, thực hiện chủ trương và phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng tiến độ đề ra.
Trong 6 tháng qua, Bộ đã cơ bản hoàn thành đăng ký doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đối với 6 doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc