Hỗ trợ doanh nghiệp

Thêm Thái Lan, thị trường bán lẻ VN ngập đại gia ngoại

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan Central Group sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng Ba tới. Như vậy sự xuất hiện của Central Group đã làm dài thêm danh sách những đại gia ngoại trên thị trường bán lẻ Việt Nam bên cạnh Metro, BigC, Lottemart...

Giám đốc điều hành tập đoàn Tos Chirathivat cho biết, quyết định mở rộng kinh doanh vào Việt Nam được đưa ra sau sự ra mắt thành công của các cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con.

Sự tham gia của đại gia Thái Lan thêm một lần khẳng định, thị trường bán lẻ trong nước đang là mảnh đất béo bở cho các đại gia ngoại. Trước đó, một đại gia giàu nhất Thái Lan cũng có ý định muốn mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 500 triệu USD. Dù đại gia bán lẻ Đức - Metro Group đã từ chối đề nghị này song có nguồn tin cho rằng Chearavanont vẫn rất quan tâm đến mảng bán lẻ của Metro này và có thể quay lại đàm phán. Ông hiện là Chủ tịch Tập đoàn CP với tổng tài sản 12,6 tỷ USD.
 
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd cũng đã hợp tác với Family Mart Việt Nam sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh này.
 
Hiện chuỗi bán lẻ Family Mart Việt Nam đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC. Mới đây, thương hiệu bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart cũng mong muốn mở chuỗi siêu thị tại Việt Nam.
 
Tính đến cuối năm 2012, các tập đoàn lớn như Metro, BigC, Lottemart...  đã có mặt tại Việt Nam và mở rộng quy mô bằng việc phát triển hàng loạt chuỗi siêu thị tại các tỉnh, thành phố. Trong đó phải kể đến Big C của tập đoàn Casino (Pháp) có 18 điểm, Metro Cash&Carry (Đức) có 19 điểm, Lotte (Hàn Quốc) 4 điểm... Các tập đoàn khác như Walmart, Tesco… cũng manh nha xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
 
Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng này đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Khi mà các trung tâm thương mại nội địa được chuyển đổi từ chợ dân sinh hầu hết hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi bỏ hoang. Tính riêng Hà Nội đã có 6 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng 4 công trình.
 
Sau khi "lột xác" thành các trung tâm thương mại khang trang, sạch đẹp, những địa điểm vàng về kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố bỗng vắng như "chùa bà Đanh". Thực trạng cả ngày lác đác chỉ vài khách đến mua hàng đã khiến cho các tiểu thương "bỏ chợ chạy lấy người".
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo