Hỗ trợ doanh nghiệp

Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP: Vừa chậm, vừa không chắc

Khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện, đề xuất từ các địa phương lại sơ sài khiến cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tiếp tục giậm chân tại chỗ.

Được đánh giá là một dự án tốt, có khả năng hoàn vốn và tính khả thi cao, thậm chí, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã đề xuất mức hỗ trợ từ 4-5 triệu USD, Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là một trong ba dự án được lựa chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.

 

Tuy nhiên, sau khi được chọn, thì Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lại bất ngờ ký biên bản ghi nhớ với liên danh Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) để triển khai xây dựng dự án này theo hình thức BOT kết hợp BT.

 

Và đối tác của Liên danh - Công ty SE của Nhật Bản - đã được lựa chọn để xây dựng cầu Bạch Đằng, được xem là mấu chốt rất cơ bản giúp đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có thể vận hành thông suốt.

 

Lý do chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác nhận, song theo thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, cơ quan cũng đã rất bất ngờ với quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thì đó là do, làm BOT với nhà đầu tư Nhật Bản sẽ nhanh hơn. “Áp lực hoàn thành con đường này quá lớn, trong khi làm PPP thì phải chờ đợi lâu”, vị này lý giải.

 

Ba chữ “chờ đợi lâu” này thực ra khá dễ hiểu, bởi lẽ, dù đã hối thúc việc thực hiện theo mô hình PPP từ lâu và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP đã được ban hành từ cuối năm 2010, song cho tới nay, dường như tất cả vẫn đang dậm chân tại chỗ. Thậm chí, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án đầu tiên được lựa chọn thí điểm theo hình thức PPP, cũng vẫn chưa chính thức được khởi động.

 

“Chu kỳ của một dự án PPP phải trải qua 6 bước, với bước khởi đầu là phân tích chiến lược, thì chúng ta hiện thời đúng là vẫn đang ở bước đi đầu tiên”, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận.

 

Trong khi đó, theo thông tin từ ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Tổ trưởng Tổ công tác PPP, thì tiến độ việc thí điểm PPP theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg cũng khá chậm.

 

Theo quy định tại Quy chế thí điểm, một trong những công việc rất quan trọng, đó là các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất các dự án thí điểm theo hình thức PPP, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, trình Chính phủ lựa chọn các dự án khả thi để tiến hành đầu tư theo hình thức này.

 

Tuy nhiên, dù đã có 30 dự án được đề xuất, với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD, song theo ông Quang, rất khó để chọn lựa.

 

“Các bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất các dự án thực sự có tính thương mại, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi PPP không phải là cây đũa thần để biến một dự án bất kỳ nào đó trở thành một dự án tốt.

 

Hầu hết các nội dung đề xuất cũng đều không đáp ứng được các yêu cầu của Quy chế PPP, do đó không đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Quang nói và cho biết, có dự án được đề xuất vô cùng sơ sài, chỉ bao gồm tên dự án mà không có vốn đầu tư, hầu hết các dự án đều chưa có đề xuất về phần đóng góp của phía Nhà nước.

 

“So bó đũa chọn cột cờ”, cuối cùng, Tổ công tác PPP đã lựa chọn Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Dự án nước sông Hậu 1 và Dự án cầu Nguyệt Viên - Thanh Hóa để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án và chuẩn bị cho việc thí điểm, nhưng như trên đã đề cập, Quảng Ninh kết cục lại từ bỏ PPP.

 

Trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư lớn, PPP đã được coi là một hình thức đầu tư ưu việt, phù hợp và nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội, nếu đặt trong các mô hình đầu tư theo hợp đồng, thì PPP chưa hấp dẫn như BT, BOT.

 

Không chỉ có vậy, nếu đặt trong “rổ” chung, thì PPP cũng chưa thật hấp dẫn, bởi hiện nay, khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện. “Đầu tư PPP là rất hay, nhưng Quyết định 71/2010/QĐ-TTg chỉ như một chiếc xe có tải trọng nhỏ, chưa đủ sức để “chở” PPP vào Việt Nam”, ông Tứ nhận định.

 

Trong khi đó, ở “đầu cầu” Thành phố Hồ Chí Minh, những khó khăn liên quan tới việc triển khai đầu tư theo mô hình PPP cũng đã phát lộ. Và một trong những nguyên nhân cơ bản là vì, Thành phố còn thiếu nguồn lực để chuẩn bị dự án, nên yếu khâu đề xuất dự án và làm nghiên cứu khả thi: PPP tắc ngay từ ở chỗ đó.

 

 

Vạn sự khởi đầu nan. Chính Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng đã thừa nhận điều này và đồng ý rằng, PPP được triển khai khá chậm chạp ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, nói PPP không đủ sức hấp dẫn là không đúng.
 
 
“Điều quan trọng là chúng ta phải tạo được thị trường cho PPP, xây dựng được các dự án thí điểm có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân”, Thứ trưởng Sinh nói và khẳng định rằng, chỉ cần có quyết tâm thì có thể triển khai thành công PPP.
 
 
 
 
Theo Báo Đầu tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo