Thị trường bán lẻ: Những cái chết được báo trước
Đằng sau sự việc chủ đầu tư Trung tâm thương mại Parkson Landmark Keangnam (Parkson Landmark), bất ngờ ra quyết định đóng cửa và yêu cầu chủ hàng phải dọn trong vòng 24 giờ đúng dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, có thể hình dung về một bức tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ Việt Nam khi mở cửa năm 2015. Cùng với đó, là một văn hoá kinh đáng quan ngại...
Với hệ thống 6 trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp được đặt tại TP HCM bày bán hàng trăm nhãn hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và khu vực, ngoài ra Parkson còn cung cấp các dịch vụ giải trí, ăn uống cho khách hàng khắp nơi. Với quy mô hoành tráng và sang trọng như vậy, nhưng thời gian gần đây, các TTTM Parkson lại rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều gian hàng bên trong cả ngày không bán được một sản phẩm nào. Phải chăng câu chuyện ở Parkson Landmark Keangnam chỉ là giọt nước tràn ly.
“Đuổi” khách hàng để... làm giá
Ngày 2/1/2015, vào dịp Tết dương lịch, cũng là dịp mọi người được nghỉ làm việc, đi chơi và mua sắm tăng cao trong năm, các chủ gian hàng ở trung tâm thương mại Parkson Landmark Keangnam nhận được quyết định của Cty TNHH Parkson Hà Nội yêu cầu đóng cửa ngay lập tức.
Theo thông báo của Cty gửi cho các chủ hàng qua email thì toàn bộ trung tâm sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo. Nói là làm. Ngay từ trưa 2/1, các bảo vệ của Parkson Landmark đã đóng tất cả các cửa, khiến cả chủ cửa hàng, nhân viên và du khách không ai ra ngoài được. Theo đó các chủ gian hàng đã phải đóng gói, rời quầy.
Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một trung tâm thương mại đóng cửa có lộ trình. Càng sẽ chẳng ầm ĩ nếu các chủ gian hàng không phải chuyển hàng trong đêm. Việc đóng cửa đối với một DN bán lẻ là chuyện rất bình thường bởi ít nhất tại 9 trung tâm thương mại Parkson tại VN, người TP HCM, HN, Hải Phòng - những nơi có sự hiện diện của nhà cho thuê mặt bằng bán lẻ này - đều đã có phần quen thuộc với “phong cách” Parkson: Nhà bán hàng cao cấp tất nhiên phải đóng cửa theo mùa (để sửa chữa hoặc trang trí lại).
Nhưng lần đóng cửa này là đặc biệt. Vì có lẽ như sự đóng cửa này đồng nghĩa với chấm dứt sự hợp tác cùng các chủ thuê gian hàng. Trong khi đó, về mặt lí thuyết thì chủ đầu tư cho thuê mặt bằng bán lẻ hay nói ngắn gọn là nhà đầu tư bán lẻ dù ở phân khúc nào trên thị trường, cao cấp, trung bình, giá rẻ... luôn phải có sự cộng sinh với nhà cung cấp sản phẩm. Ở Parkson, nhà cung cấp chính là người đi thuê mặt bằng bán lẻ ở từng gian. Nếu không có các nhà đi thuê gian hàng này thì Parkson dù định vị mình cao cấp chuyên nghiệp đến đâu cũng chỉ là mặt bằng bán lẻ của toà nhà cũng chỉ là mặt bằng rỗng chẳng ai muốn viếng thăm. Do đó, hiểu cách khác đóng cửa các gian hàng, bắt buộc đóng gói sản phẩm rời đi cũng đồng nghĩa nhà đầu tư Parkson đã chấp nhận rút lui khỏi thị trường đó, tại trung tâm đó. Cho nên, khi Parkson “đính chính” là chỉ tạm thời đóng cửa, mọi chuyện có vẻ tường minh hơn. Và giả thuyết bên cạnh lí do thua lỗ rõ như ban ngày của Parkson, là không chỉ “cắt lỗ" đúng thời điểm mong muốn được giảm giá trong hợp đồng thuê mặt bằng với chủ tòa nhà đầu tư Keangnam. Hiểu cách khác đuổi khách thuê gian hàng và đóng cửa hải chăng là một cách tạo áp lực để Parkson lấy điều kiện thỏa thuận với chủ tòa nhà cao nhất VN?
Đến câu chuyện muôn thủa - văn hóa kinh doanh
Nếu đúng như vậy, thay vì tìm phương thức tích cực để tìm được tiếng nói đàm phán với chủ đầu tư, Parkson đã chọn cách đẩy rủi ro cho người khác. Thiệt hại trong đợt đóng cửa đột ngột này cơ bản không chỉ nằm ở phía các thương nhân, chủ gian hàng thuê lại trong trung tâm thương mại mà còn là thiệt hại cả ở phía chủ tòa nhà. Bởi danh tiếng và thương hiệu của tòa nhà cũng khó tránh ảnh hưởng. Trước sự việc này, nhiều chủ kinh doanh tại Trung tâm thương mại rất bất bình vì họ có lượng hàng trữ trong đây quá lớn, trị giá hàng tỷ đồng, gồm cả hàng tươi sống cần bảo quản. “Nhân viên đã thuê vẫn phải trả lương đủ tháng. Hàng hóa phục vụ Tết đã được ký hợp đồng, chúng tôi đang chờ câu trả lời từ Parkson Hà Nội vì hợp đồng thuê mặt bằng đến năm 2016 mới kết thúc” - đại diện một siêu thị trong trung tâm thương mại này nói.
Bản thân Parkson, tất nhiên trong quyết định này, cũng bị “ném đá” và “thương tích đầy mình”, thậm chí có nguy hại lâu dài cho uy tín thương hiệu. Không chỉ khiến các chủ thuê gian hàng hiện hữu và tương lai mất niềm tin, Parkson cũng sẽ bị khách hàng – người mua sản phẩm “soi” lại phong cách kinh doanh thời gian qua cũng như “đặt kính lúp” về phương thức, điều kiện, hiệu quả kinh doanh của các trung tâm thương mại khác.
Cần lưu ý là thời điểm Parkson ra quyết định đóng cửa, cũng là thời điểm cam kết mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình WTO của VN chính thức có hiệu lực… 1 ngày. Phải chăng với doanh thu ba năm liền thua lỗ, cho dù là một đại gia bán lẻ đã tung hoành ở thị trường châu Á khá nhiều năm, Parkson cũng không màng thương hiệu của mình tại thị trường VN khi nhìn thấy trước áp lực cạnh của thị trường vừa mở cửa vừa thiếu sức mua vừa đua sức nóng?
Vì vậy, một quyết định đóng cửa ồn ào và cấp tập của một trung tâm thương mại của Parkson cũng cho thấy trong kinh doanh thị trường bán lẻ, rủi ro sau cùng dường như luôn thuộc về phía các nhà phân phối lẻ hay người thuê gian hàng, còn các chủ đầu tư bán lẻ có vẻ vẫn nắm đằng chuôi – kể cả khi họ là người đi thuê lại cấp một. Và có vẻ như trên thị trường bán lẻ, việc ưu đãi và quản lí các “đại gia”, đặc biệt các nhà đầu tư ngoại trong kinh doanh lĩnh vực này, dường như còn bất cập hoặc quá lỏng lẻo. Nếu không như vậy, tại sao Parkson có thể đóng cửa bất ngờ và bắt buộc các chủ gian hàng rời đi dù hợp đồng thuê gian hàng chưa chấm dứt? Tại sao Lotte Mart lại dám thẳng thừng từ chối khách hàng bình dân? Tại sao Metro Cash& Carry có thể “dính” nghi án lỗ giả tới tận 12 năm và chỉ mới bị thanh tra thuế khi thực thi thương vụ bán lại?...
Dù là kinh doanh thua lỗ hay... phương thức “cắt lỗ”, bất cứ một hành xử nào trong thị trường bán lẻ đều cần một tôn chỉ đầu tư: Khách hàng là Thượng đế. Parkson đang có hai khách hàng chính là các chủ thuê gian hàng và khách hàng đến mua sản phẩm tại trung tâm. Hành xử này đã cho thấy dường như “nhiệt” của thị trường bán lẻ VN, hoặc một toan tính nào đó khác đã khiến đại gia lớn như Parkson cũng sẵn sàng “dẫm” lên lợi ích khách hàng của mình. Hay “thượng đế” VN quá dễ dãi và không đáng được “đại gia” Parkson tôn trọng?
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo