Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thị trường bán lẻ: Vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội

Tại TP.HCM, chủ sử dụng mặt bằng xung quanh các ngã tư hiện chủ yếu là các nhà bán lẻ ngoại.

Bà Lê Kim Hoa – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Cho thuê mặt bằng bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam có một số chia sẻ về phân khúc thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Đánh giá của bà về thị trường bán lẻ Việt Nam?

- Thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay khá tiềm năng, đặc biệt là với dân số trẻ, hơn thế nữa, số lượng kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% thị phần. Chính vì điều này mà thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho các nhà đầu tư bán lẻ và các nhà bán lẻ tham gia kinh doanh trực tiếp.

Hiện nay Việt Nam chưa chính thức tham gia TPP nhưng các nhà bán lẻ ngoại đã rục rịch đi vào thị trường Việt Nam rồi. Vậy khi Việt Nam chính thức tham gia TPP, các nhà bán lẻ ngoại có là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa hay không?

- Như các bạn đã biết, Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007, sau thời điểm đó, tôi tham gia rất nhiều các buổi hội thảo, bàn bạc, mọi người tranh luận khá sôi nổi và lo ngại sẽ có một làn sóng các nhà bán lẻ quốc tế nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam và những ảnh hưởng của nó đến những nhà bán lẻ trong nước. Thực tế là từ năm 2007 đến thời điểm hiện nay, trải qua 6 năm, Việt Nam không có quá nhiều thay đổi một cách đột ngột. Lý do là bởi, các nhà bán lẻ muốn kinh doanh theo chuỗi tại Việt Nam thì họ phải tuân thủ những quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Chúng tôi hy vọng sang năm sau, thị trường Việt Nam sẽ mở cửa 100% cho FDI và khi đó các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ có điều kiện để đầu tư, kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam.

Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, các nhà bán lẻ nước ngoài sở hữu thương hiệu uy tín, kỹ năng quản lý và vận hành bộ máy một cách chuyên nghiệp và thêm nữa, nếu được phép đầu tư trực tiếp thì quy mô đầu tư của họ sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nhà phân phối địa phương – đại diện phân phối nhiều thương hiệu cùng một lúc. Đây là thử thách cho các nhà bán lẻ nội địa nhưng cũng là cơ hội cho họ tận dụng.

Các nhà bán lẻ nội địa đã ở thị trường Việt Nam lâu, họ hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng và họ có đủ thời gian để chiếm giữ những mặt bằng có vị trí tốt. Đây là những lợi thế mà các nhà bán lẻ nước ngoài không có.

Nếu nói đến khó khăn mà các nhà bán lẻ trong nước gặp phải thì hay chăng, họ nên xem xét lại hình thức, cách thức kinh doanh, cách tổ chức quản lý, vận hành bộ máy.

Đối với những bên bán lẻ nội địa có thương hiệu riêng thì có thể xem xét chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã để nâng cao tính cạnh tranh so với những thương hiệu nước ngoài sẽ vào thị trường Việt Nam. Tôi thấy đây là trở ngại nhưng cũng là cơ hội cho các bên tự cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.

Tại TP.HCM, mặt bằng xung quanh các ngã tư không còn dành cho các nhà bán lẻ nội địa mà thuộc các nhà bán lẻ nước ngoài. Có phải vì các nhà bán lẻ nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn nên chủ nhà đòi mặt bằng từ các nhà bán lẻ nội địa và cho thuê lại không?

- Ở đây là do hai nguyên ngân, thứ nhất là giá, thứ hai là thương hiệu. Thông thường với các nhãn hàng có thương hiệu thì chi phí đầu tư vào cửa hàng, nội thất cao hơn – mang tính đầu tư kinh doanh lâu dài hơn và không dễ để họ đóng một cửa hàng vì ngoài tiền đầu tư thì còn là uy tín của thương hiệu.

Tính ổn định khi thuê nhà phố cũng là một trong những nguyên nhân. Những bên thuê mặt bằng có đầu tư cao rõ ràng thể hiện tiềm lực ổn định về mặt tài chính của họ. Nếu chủ nhà cho các bên cá nhân làm, họ hoàn toàn có thể mở ra vài tháng rồi đóng vì suất đầu tư khá thấp trước đó. Bản thân chủ nhà họ cũng mong muốn ổn định. Giá thuê có thể cao hơn nhưng nếu tình hình kinh doanh của khách thuê không cho thấy sự ổn định thì đương nhiên chủ nhà sẽ có những lựa chọn khác.

Như vậy, không đơn thuần là do giá thuê mà còn do tổng suất đầu tư của khách thuê vào mặt bằng thuê nữa.

Theo bà, khách hàng thường có yêu cầu gì đặc biệt về mặt bằng, giá cả, vị trí hay không?

- Các thương hiệu F&B, thương hiệu thời trang hay tất cả các lĩnh vực khác, khi là thương hiệu quốc tế, họ luôn có những tiêu chí lựa chọn mặt bằng cụ thể và điển hình. Họ đều mong muốn vị trí trung tâm, tại góc phố, ngã ba, ngã tư đông đúc để tạo độ nhận diện thương hiệu tốt, tại những địa điểm đông dân cư, mật độ giao thông lớn, có sẵn chỗ để xe.

Ngoài ra, họ cũng có một số yêu cầu về mặt kỹ thuật nhất định, ví dụ ngành hàng ăn uống đòi hỏi lắp đặt hệ thống thông khói, hút mùi, dung lượng điện nước ở một tiêu chuẩn nhất định, luôn luôn phải dùng nguồn điện ba pha trở lên… Là một nhà tư vấn, chúng tôi cần phải hiểu rõ nhu cầu của khách thuê.

Về mặt ngân sách, khách thuê cũng có một ngân sách chi trả nhất định, tuy nhiên, chi phí thuê phụ thuộc phần nhiều vào địa điểm, liệu địa điểm đó có phải là địa điểm chiến lược mà khách thuê mong muốn hay không? Từ đó khách thuê sẽ có sự linh hoạt khi quyết định giá thuê.

Những cửa hàng mở đầu tiên bao giờ cũng là những cửa hàng chiến lược mà họ phải xem xét. Như vậy, những cửa hàng đầu tiên, khách thuê có thể linh hoạt về giá, nhưng với những cửa hàng mở sau, họ đã có sẵn tiêu chuẩn về khung giá và suất đầu tư.

Theo FICA
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo