Hỗ trợ doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán: Mô hình “một sở hai sàn”

Sau một thời gian dài ảm đạm thì hơn 1 tháng qua, thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã tăng cao và khá ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là “hiệu ứng” tạm thời. Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng những đề xuất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) mới đây được coi là tạo thêm động lực dài hạn cho thị trường.

 Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2012 vừa diễn ra, ông Vũ Bằng - Chủ tịch SSC - cho biết, năm 2011 có thể coi là năm đáng quên của thị trường chứng khoán. Theo đó, 80% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; 59% công ty có thị giá thấp hơn mệnh giá; 49% công ty có hệ số thị giá so với lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (P/E) thấp hơn 5. Công ty chứng khoán hơn 70% thua lỗ.

Trước thực tế này, tái cấu trúc thị trường, trong đó ưu tiên tái cấu trúc 2 sở giao dịch sẽ là một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện trong năm nay. Ông Vũ Bằng cho hay, sau khi được Chính phủ chấp thuận và tiến hành sáp nhập, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoạt động theo cơ chế “hai sàn thuộc một sở”. Theo đó, các cổ phiếu sẽ chuyển dịch dần sang giao dịch tại sàn TP. Hồ Chí Minh. Sàn Hà Nội sẽ chủ yếu tập trung phát triển sàn chuyên biệt và các sản phẩm phái sinh. Cùng với việc sáp nhập 2 sở giao dịch, SSC cũng dự kiến nâng tiêu chuẩn niêm yết đối với các công ty đại chúng.

Theo đó, vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp niêm yết tại sàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được chính thức đưa lên mức 120 tỷ đồng, sàn Hà Nội là 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó là một loạt các tiêu chuẩn khác về tỷ lệ sinh lời, số cổ đông tối thiểu… Việc áp dụng các tiêu chuẩn này chủ yếu nhắm vào cải thiện chất lượng các doanh nghiệp niêm yết mới, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn. Đối với các doanh nghiệp đang niêm yết, sẽ có khoảng 30% không đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên. SSC dự kiến đưa ra một lộ trình kéo dài 5 năm để các doanh nghiệp có thể đáp ứng chuẩn mới này, khi hết thời hạn, doanh nghiệp không đáp ứng được mới sẽ bị thanh lọc.

SSC cũng đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tín dụng với thị trường chứng khoán một cách linh hoạt, có phân biệt tình trạng tài chính và quản trị của từng ngân hàng, để tạo tín hiệu thu hút dòng tiền từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, việc Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 08/CT-TTg về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán được coi là biện pháp mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020 với các giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm hoàn thiện thể chế, cấu trúc lại thị trường.

Bộ Tài chính chủ trì triển khai đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai việc thành lập, hoạt động công ty đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán dạng mở. Kiểm soát việc tham gia đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư chứng khoán với tư cách là nhà đầu tư có tổ chức. Đánh giá hiệu quả kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính, tình hình thực hiện quản trị công ty và công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết… Phát triển một số sản phẩm mới của thị trường chứng khoán trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo hiệu quả và khả năng quản lý giám sát.


Theo Báo Công Thương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo