Bắc Giang phát triển HTX, Liên hiệp HTX
Hà Giang: Hoàn thiện sản xuất an toàn ở HTX Tuyên Gấm / Liên minh HTX tỉnh Điện Biên giúp xã Na Ư xóa đói, giảm nghèo
Nhận thấy Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 là một trong những động lực giải pháp quan trọng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo điều kiện giúp người dân ở các địa phương giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Bắc Giang đã đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế tập thể nhằm phát triển các HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX bền vững.
Liên kết, sản xuất theo chuỗi
Thời gian qua, Ban chỉ đạo phát triển Kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT. Tập trung củng cố, hoạt động của các HTX; ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, mỗi huyện, thành phố có một HTX kiểu mới gắn với sản xuất và tiêu thụ quy mô lớn. Tư vấn thành lập mới 50-60 HTX, 1 Liên hiệp HTX; thu hút 500-800 thành viên mới…
Nắm bắt được điều này, tháng 1/2019, Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa được thành lập. Liên hiệp gồm 7 HTX, 2 hộ sản xuất tham gia sản xuất 60 ha các loại rau, củ, quả, 60 ha lúa nếp và hơn 5 nghìn m2 lán trồng nấm.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX, cho biết: Trước khi vào mỗi vụ sản xuất các thành viên đều lên kế hoạch, họp bàn rồi mới thống nhất giống, cây con, quy mô để triển khai. Các thành viên tham gia Liên hiệp đều đã đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác. Cây trồng, vật nuôi của đơn vị được chăm sóc theo phương pháp an toàn.
Liên hiệp HTX đã ký kết với công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) và một số siêu thị như Hapro Mart, Fivimart (Hà Nội) để tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ liên kết, các sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao hơn thị trường bình quân khoảng 2 nghìn đồng/kg. Sản phẩm của Liên hiệp HTX cũng đa dạng hơn.
Tương tự, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên) là một trong những đơn vị thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản do Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ. Ngày đầu HTX có 7 thành viên, đến nay đã tăng lên 15 với tổng diện tích gần 30 ha chuyên trồng dưa chuột các loại, cà chua bi và rau chế biến.
Hay HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh, HTX Chăn nuôi Trường Thành, HTX thủy sản Thắng Lợi… thời gian qua đều được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Hiện các HTX đều thực hiện chăn nuôi, sản xuất theo chuẩn VietGAP, hữ cơ, liên kết được với đơn vị thu mua hoặc tự mở cửa hàng nông sản sạch để tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng
Để phát triển các HTX, Liên hiệp HTX, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh đã hỗ trợ 15 HTX hoạt động ở các ngành nghề như: sản xuất mỳ, nấm ăn, rau an toàn, thịt lợn sạch về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá thương hiệu và liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp.
Theo Liên minh HTX tỉnh, để phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi trong nền kinh tế tập thể, hàng năm Liên minh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh khác, tổ chức các buổi gặp gỡ làm việc với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến.
Trong đó, BCĐ Phát triển KTTT huyện thường xuyên bám sát và hướng dẫn các HTX hoạt động hiệu quả, tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Mật ong, nấm linh chi, cây dược liệu, rau sạch… đồng thời tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các HTX; chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Dưới sự hỗ trợ của tỉnh và Liên minh HTX tỉnh, một số huyện đã có cách làm riêng như UBND huyện Việt Yên chỉ đạo các HTX cùng sản xuất một lĩnh vực có thể xem xét thành lập Liên hiệp HTX. Huyện có cơ chế về vốn giúp đầu tư sản xuất.
Việt Yên đang có hướng thành lập Liên hiệp HTX nông nghiệp chuyên canh tác rau, nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn VietGAP.
Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện, huyện Việt Yên đã có 54 HTX nông nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị thực hiện những mô hình ứng dụng công nghệ cao và đơn vị sản xuất theo chuỗi, đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX.
Phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và đơn vị thu mua, giảm chi phí trung gian, tăng giá trị hàng hóa, phát triển kinh tế. Đặc biệt, người dân có thể chủ động sản xuất, mang lại lợi nhuận cao trên chính diện tích sản xuất của mình. Chính vì vậy nhiều HTX đã được thành lập và phát huy hiệu quả trong liên kết như HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, HTX Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm, HTX Rau sạch Yên Nông nghiệp Tiên Tiến, HTX Công nghệ cao Khang Thịnh (Việt Yên)… Các HTX này đều tạo việc làm và mang về thu nhập trung bình khoảng 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Để phát huy được những mô hình HTX, Liên hiệp HTX sản xuất hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân rộng những mô hình hiệu quả, đặc biệt là ở những huyện, xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia HTX, thay đổi thói quen sản xuất. Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực cùng các cấp ngành hỗ trợ các HTX tháo gỡ những khó khăn (hỗ trợ về thủ tục, đất đai, phát triển thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp…) để HTX tiếp tục phát triển hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
HTX Trường Thành là một trong những mô hình chuỗi hiệu quả ở Bắc Giang