Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc để phục hồi sau đại dịch
Nhóm ngân hàng "đỏ lửa", VN-Index bốc hơi hơn 30 điểm / Hệ thống giao dịch của Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh HSC tê liệt, nhà đầu tư phẫn nộ
Các chuyên gia WB khuyến nghị về các giải pháp thúc đẩy mạnh chuyển đổi số |
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Dorsati Madani cho rằng, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm. Dự báo này, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo do WB đưa ra vào tháng 12 năm 2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.
Chuyên gia cao cấp Dorsati Madani phân tích: Dù nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện rất tốt về sức chống chịu, nhưng các biện pháp hạn chế đi lại, tiếp xúc xã hội quyết liệt nhằm kiềm chế đại dịch đã có ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng COVID-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.
“Điều đáng mừng là Chính phủ quản lý nợ công tốt, các chính sách tài khoá có kỷ cương và trách nhiệm cao, do đó nợ Việt Nam vẫn bền vững trong trung hạn. Nhưng vẫn có rủi ro dài hạn, các cấp quản lý cần theo dõi chặt rủi ro tài khoá, đặc biệt cần chú ý 'sức khoẻ' DN nhà nước và các nguy cơ nợ dự phòng”, bà Dorsati Madani nhận định.
Chuyên gia WB cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng tích cực tham gia hỗ trợ nền kinh tế, DN vượt khủng hoảng với nhiều công cụ như gia hạn nợ… nhưng rủi ro về nợ xấu cùng với đó cũng sẽ tăng lên. Quan trọng là các cấp có thẩm quyền thận trọng rủi ro nợ xấu, nhất là các ngân hàng chưa đạt mức bảo đảm an toàn vốn cao.
Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch COVID-19 tái bùng phát diện rộng khiến không ít những DN xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.
Đáng chú ý, chuyên gia cao cấp của WB nhận định, mặc dù dòng vốn FDI giảm do "cú sốc" COVID-19, nhưng vẫn có sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% (so cùng kỳ năm trước), đạt 15,3 tỷ USD.
Tham gia trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một số thông tin dư luận về xu hướng rời đi của một số DN FDI ở Việt Nam là không đúng. Có chăng, xu hướng các DN FDI đổ vốn vào Việt Nam bị chậm lại do có thận trọng hơn trong việc đầu tư vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
“Vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghệ tăng rất mạnh, trong 7 tháng có gần 170 DN công nghệ đầu tư vào các lĩnh vực phần mềm, viễn thông, điện tử… Đại dịch COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số, điều này tạo ra thay đổi khá lớn về cơ cấu đầu tư DN FDI vào Việt Nam”, ông Hoàng Anh Tú cho hay.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai tiêm vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các DN, hộ gia đình bị ảnh hưởng.
“Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”, ông Rahul Kitchlu nhận định.
Bên cạnh phân tích về kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cũng gợi ý tận dụng cơ hội mở ra các hướng phát triển mới, với bài phân tích về "Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai".
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Jacques Morisset đi sâu phân tích những gì Việt Nam cần thực hiện để đạt được tham vọng trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến nhất trên thế giới. Khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế trong nước khi ngày càng nhiều DN ở Việt Nam cung cấp dịch vụ trực tuyến. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm ưu tiên tới lĩnh vực này với việc phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đồng thời tăng cường số hóa các thủ tục và cơ sở dữ liệu, cải thiện hạ tầng viễn thông của mình.
“Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ, được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác”, ông Jacques Morisset lưu ý.
Theo các chuyên gia WB, ngoài hạ tầng hiện đại, có ba giải pháp được đề ra nhằm xây dựng năng lực số cho quốc gia với Chính phủ đóng vai trò trung tâm.
Các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích các DN và người lao động có được những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các DN thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước, đồng thời thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin.
“Các định hướng chính sách đó đòi hỏi các cấp quản lý phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân”, chuyên gia của WB nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo