Chuyển cách đưa nông sản sang Trung Quốc
Việt Nam phấn đấu đứng đầu ASEAN về xuất khẩu nông sản / Cơ hội lớn từ phụ phẩm nông sản
Gần đây, sau khi tham quan một hội chợ thuỷ sản có quy mô hàng đầu thế giới ở Thanh Đảo (Trung Quốc), ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho rằng tính ra còn gần tỷ người Trung “gần gũi” với thực phẩm bình dân. Cho nên các gian hàng khô các loại cá rẻ tiền luôn đầy ắp đối tác Trung Quốc ghé thăm.
Trở nên danh giá hơn
“Đó là các loại khô cá cơm, cá chỉ vàng, cá mối, cá hố, cá đục, khô mực loại nhỏ... Thấy vậy chưa hẳn là vậy! Họ mua đồ rẻ tiền đó; qua quy trình chế biến chiên, sấy, tẩm gia vị, vô bao bì bắt mắt đã trở thành các món ăn chơi khá phổ biến bày bán đầy trong siêu thị, sân bay với giá không phải rẻ”, ông Lực chia sẻ.
Thậm chí, với xương các loài cá (Trung Quốc là công xưởng gia công cá phi lê cho thế giới), họ đem tẩm gia vị chiên giòn bán gói 100gr với giá trên 70.000 đồng. Trong khi xương cá tra, Việt Nam có hàng chục nghìn tấn mỗi năm chỉ làm bột cá, giá bán không được bao nhiêu.
Chủ tịch Fimex VN lưu ý: “Hơn nhau là tầm nhìn và khả năng bắt mạch xu hướng người tiêu dùng”. Về quy trình chế biến các mặt hàng này, các doanh nghiệp (DN) Việt có thể theo kịp. Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ vẻ lấn lướt trong lĩnh vực chế biến hàng đông lạnh, khi trong 2 sảnh trưng bày thiết bị, họ trình làng máy lột vỏ tôm, máy phi lê cá… Đây là công đoạn tốn rất nhiều lao động.
Cũng từng nhiều lần đi khảo sát thị trường và tham gia các hội chợ triển lãm ở Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐTQ CTCP Vinamit, cho biết từng tâm sự với một chủ DN xuất khẩu (XK) thuỷ sản là nếu có sợ cạnh tranh thì cứ đưa thẳng mặt hàng thuỷ sản Việt vào các siêu thị ở Trung Quốc là hết sợ!
Bởi vì đưa hàng vào hệ thống siêu thị là nơi làm cho hàng Việt XK vào thị trường này “trở nên danh giá hơn”. Nói nôm na là “chim mồi” để người tiêu dùng Trung Quốc thấy được mức độ danh giá của hàng Việt như thế nào.
Theo lưu ý của ông Viên, nếu chúng ta có thương hiệu và đẩy vào hệ thống siêu thị của Trung Quốc thì các DN nước này dù có mua lại hàng Việt theo kiểu mua thấp bán cao trên thị trường cũng khó.
“Dĩ nhiên, để tham gia vào thị trường Trung Quốc thì cách nhanh nhất là các DN cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và nên tham gia thường xuyên vào các hội chợ ở đây để biết được sự náo nhiệt của thị trường này như thế nào, cũng như hiểu được cách mà các nhà buôn ở đây làm ăn ra sao”, ông Viên đưa ra lời khuyên.
Để XK nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới bền vững hơn, mới đây, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và DN XK thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng.
Chuyển nhanh, chuyển mạnh
Hơn nữa, các DN XK nông lâm thuỷ sản cần kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ XK theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới” sang XK chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
Mặt khác, các DN, ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.
Nông sản, thủy sản là nhóm hàng XK truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch XK sang thị trường này.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch XK nông, thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
Trong khi đó, theo thống kê gần đây nhất của Tổng cục Hải quan, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch XK nông, thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc tiếp tục giảm 5,86% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6,31 tỷ USD.
Đánh giá một cách khách quan, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa... đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được XK sang thị trường này theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới”.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc này sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân Việt Nam tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua.
Điều đáng ghi nhận là nhiều DN và hộ nông dân Việt Nam đã từng bước thích nghi và chuyển hoạt động XK nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc sang hướng chính quy, bài bản, giảm dần và tiến tới chấm dứt XK theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025