Thị trường

Cơ hội lớn từ phụ phẩm nông sản

Bên cạnh phụ phẩm trong mảng lúa gạo, nông sản Việt còn có nguồn phụ phẩm rất lớn đến từ mảng thủy sản, cây ăn trái... Nếu được định hướng đầu tư, chế biến nâng cao giá trị gia tăng không những giúp mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân, mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường.

Quảng Ninh: HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc đồng hành cùng bà con miền núi / Quảng Ninh: Liên kết sản xuất an toàn, giải cơn khát đầu ra cho nông sản

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao giá trị phụ phẩm trong chuỗi nông sản” về việc ứng dụng các sản phẩm là phụ trong ngành nông nghiệp để chế biến ra các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Việc phải tìm cách xử lý đa số phụ phẩm nông nghiệp từng là vấn đề khiến ngành nông nghiệp “đau đầu” bởi tốn khá nhiều chi phí và còn ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, nếu tận dụng được sẽ giúp thay đổi hoàn toàn vấn đề này.

Lợi ích kép

Trước đây, phụ phẩm và phế phẩm được xác định bằng cách: sản phẩm có giá trị cao nhất là sản phẩm chính, kế đó là phụ phẩm và thứ bỏ đi là phế phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có rất nhiều loại phụ phẩm trong ngành nông nghiệp được ứng dụng để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.

Có thể kể đến ở mảng lúa gạo, trong khi sản phẩm chính được khai thác nhiều nhất chỉ có hạt gạo, các sản phẩm khác từ cây lúa như: rơm, trấu, cám gạo... cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư chế biến sâu.

Ví dụ, thay vì đốt rơm rạ gây mất vệ sinh môi trường, nhiều dự án đã tích cực thu gom rơm rạ, ủ phân hữu cơ, chế biến thức ăn gia súc, trồng nấm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân.

Hay với cá tra, sau khi philê lấy thịt xuất khẩu thì xương được ứng dụng để làm bột cá, da được dùng để chế biến collagen, snack da cá tra hay chế biến dầu ăn từ mỡ cá tra.

Theo ông Võ Phú Đức, Giám đốc CTCP Vĩnh hoàn Collagen, nếu da cá tra đem bán để sản xuất bột cá chỉ có giá 6.000 -7.000 đồng/ kg nhưng nếu bán lại cho nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen có thể đạt 26.000-27.000 đồng/kg.

Hiện nay, sản phẩm collagen đang được người tiêu dùng khá ưa chuộng, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Đây cũng là nhóm dân số sẵn sàng bỏ ra lượng tiền lớn để đầu tư cho các sản phẩm làm đẹp.

Được biết, nhà máy sản xuất collagen và gelatin với công suất 2.000 tấn/năm do Vĩnh Hoàn sở hữu 90% vốn bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Khi đó, công ty công bố sẽ kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phụ phẩm cho nhà máy.

Cũng theo lãnh đạo của CTCP Cỏ May, trong khi da cá và trứng muối trong nước bán sang Singapore với giá rẻ thì các nhà chế biến của quốc gia này trộn lại với nhau và bán ra sản phẩm snack da cá trứng muối với giá tăng hàng chục lần. Hiện, Việt Nam cũng đã bước đầu ứng dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm tương tự và cũng đã có được những thành công nhất định.

Tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích kép

Tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích kép

Làm sao để gia tăng?

Mang lại cả lợi ích về kinh tế và môi trường là điều không thể bàn cãi của việc tận dụng các phụ phẩm nhưng các cơ quan chức năng cũng thừa nhận ngành nông nghiệp thời gian qua chưa theo kịp sự thay đổi trong tiếp cận và sử dụng các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp.

Theo nhận định của lãnh đạo một công ty thực phẩm của Nhật Bản, phụ phẩm trong lĩnh vực nông, thủy sản của Việt Nam gần như không khai thác được, là một sự lãng phí khá lớn. Ngay tại nhóm sản phẩm được cho là chính phẩm dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Nguyên nhân là bởi công nghệ chế biến nông sản chủ yếu là sơ chế thô, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, mới đạt khoảng 15-20%.

 

Thêm vào đó, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm sau chế biến chưa cao, chủng loại sản phẩm chế biến cũng chưa phong phú, đa dạng. Tính đến năm 2018, sản phẩm qua chế biến mới đạt 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước, phần còn lại đều xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị thấp.

Do đó, theo ý kiến của đại diện nhiều DN, đã đến lúc phải thay đổi về khái niệm phụ phẩm hay chính phẩm. Bởi chỉ cần có công nghệ, tư duy đột phá thì những sản phẩm bị xem là phế phẩm sẽ trở thành những sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.

Các cơ quan quản lý cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật rõ ràng để DN thực hiện đồng bộ, tránh trường hợp mỗi cơ sở chế biến làm một kiểu, sản phẩm nhiều nhưng không thuyết phục được người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đầu tư vào nhà máy chế biến công suất lớn, công nghệ hiện đại cần nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi chậm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn hợp lý.

Bản thân các DN cũng cần đi sâu nghiên cứu, ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn nhằm tạo sự bứt phá để có được các sản phẩm khác biệt có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm