Thị trường

Covid-19: Nông sản khắp nơi rớt giá, ùn ứ, nông dân, doanh nghiệp khổ trăm bề

DNVN – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh đứt đoạn, đã gây nên tình trạng nông sản ùn ứ, rớt giá thê thảm, khiến doanh nghiệp và người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Lượng nông sản chờ xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới ngày càng tăng / Lâm Đồng: Lữ hành bán nhà đền tour, chế biến nông sản quá tải kho chứa do Covid-19

Tại tỉnh Ninh Thuận, mấy tháng nay, kể từ ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, có các mặt hàng nông sản đặc thù của địa phương như táo, nho, dê, cừu... bị rớt giá, khiến bà con nông dân và tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng Covid-19, nho rớt giá, nhiều nhà vườn không buồn hái

Ảnh hưởng Covid-19, nho rớt giá, thậm chí không bán được nên nhiều nhà vườn không buồn hái.

Bà Hiển, ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, buồn bã nói: “Nhà tôi trồng 2ha nho, nhưng gần đến thời kỳ thu hoạch mà thương lái vẫn chưa đến mua. Nếu thương lái “bỏ kèo” vì Covid-19, tôi phải cắt nho bán chợ, dù giá rẻ cũng phải bán để vớt vát phần nào. Nếu bán không hết thì phải ngâm rượu, qua dịch bán chứ biết làm sao?”.

Còn ông Nguyễn Văn Lành, chủ một vựa táo lớn ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cho hay: “Mấy tháng nay dịch bệnh Covid-19 oanh tạc, người dân hạn chế ra ngoài, thắt chặt chi tiêu, nên bạn hàng khắp cả nước giảm đơn hàng. Hiện giá cả giảm xấp xỉ một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, giá mua tại vườn chỉ còn trên dưới 12.000 đồng/kg”.

Một chủ đầu mối kinh doanh dê, cừu tại huyện Ninh Phước, cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa, nên sức tiêu thụ thịt dê, cừu giảm mạnh. Cũng vì thế mà giá cả lao dốc, giảm 30.000 đồng/kg so với trước tết, hiện tại chỉ còn dao động khoảng 100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” rau, củ, quả và hoa tươi các loại, người nông dân cũng đang gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19 làm cho các mặt hàng nông sản “tắt” đầu ra.

Anh Hải, ở huyện Lạc Dương, than thở, từ khi “giặc vi-rút” hoành hành, đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, giá cả sụt giảm hơn nửa, hàng hoá ứ đọng. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đều tập trung vào mấy sào bắp cải, đậu cove, cà chua; rồi tiền thuê đất, đầu tư hệ thống tưới tiêu thông minh, nhà kính, lãi ngân hàng; không biết đời sống người nông dân chúng tôi sẽ đi về đâu?

Không chỉ rau, củ, quả, người trồng hoa tại Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đang chịu chung cảnh giá cả xuống thấp, hàng hóa ế ẩm, thậm chí phải cắt, nhổ bỏ. Chị Thường, ở Phường 7 (TP. Đà Lạt), cho biết, chưa bao giờ người trồng hoa lại lâm vào cảnh khó khăn kéo dài như vậy. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến giá các loại hoa giảm mạnh, tiêu thụ chậm. Hiện tại, thương lái chỉ mua hoa hồng loại 1 với giá vài trăm đồng/bông, nhưng mua rất hạn chế. Còn lại đa số người dân phải cắt bỏ để làm lại đất.

Còn anh Sơn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh hoa trong nước và xuất khẩu, chia sẻ, từ đầu tháng 2 đến nay, các đầu mối trong nước chuyên nhập hoa từ công ty của anh đều giảm từ 80-90% sản lượng, số lượng tiêu thụ hoa trên thị trường cũng giảm mạnh.

“Tỷ lệ hoa công ty chúng tôi xuất đi thị trường Nhật Bản chiếm tới 40% nhưng kể từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã không còn xuất khẩu được nữa. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì cơn khủng hoảng sẽ ngày càng trầm trọng, doanh nghiệp lao đao, nhà vườn bế tắc”, anh Sơn cho biết thêm.

Hoa hồng Đà Lạt rớt giả thảm nhưng vẫn không có người mua nên người dân phải đau đớn cắt bỏ

Hoa hồng Đà Lạt rớt giá thê thảm nhưng vẫn không có người mua nên người dân phải đau đớn cắt bỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt đã giảm diện tích trồng hoa bắt đầu từ dịp 8/3 do sức tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính diện tích trồng hoa giảm khoảng 30% diện tích xuống giống trong một vụ, tương đương với trên 675 ha. Số diện tích giảm người dân chủ yếu tạm thời chuyển qua trồng rau củ quả có giá cả ổn định hơn.
Từ trước tới nay, thị trường trong nước là thị trường chính của vùng hoa Đà Lạt. Riêng với hoa hồng, Đà Lạt cung ứng gần 90% sản lượng cả nước hiện đang rơi vào cảnh ế ẩm. Các vựa hoa chỉ mua hoa hồng loại 1 với số lượng rất hạn chế, giá cao nhất chỉ 500 đồng/bông, bằng 40% thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Hoa hồng loại 2, loại 3 nhà vườn phải cắt bỏ vì không bán được. Trong khi đó, hoa cúc cũng được trồng phổ biến tại Đà Lạt giá cũng thấp tương tự. Ước tính 1.000 m2 hoa cúc, người trồng lỗ khoảng 3 triệu đồng.
"Số lượng xuất khẩu hoa tươi quý I/2020 của tỉnh đạt 66 triệu cành và chậu hoa các loại, với giá trị 11 triệu USD. Con số này hiện đã giảm 34,1% về lượng và 17,4% giá trị so với cùng kỳ. Con số tăng trưởng âm này được lý giải do dịch Covid-19 lan nhanh, diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu, người tiêu dùng ở các nước chỉ quan tâm đến các mặt hàng nhu yếu phẩm, các hoạt động lễ hội đều bị hủy bỏ hoặc hoãn nên nhu cầu tiêu thụ hoa giảm theo", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết.

Cùng cảnh ngộ, tại Đắk Nông, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hạt điều không xuất khẩu được, khiến các doanh nghiệp thu mua phải hạ giá, nông dân điêu đứng. Hiện nay, tại các điểm thu mua, giá điều tươi liên tục giảm, từ 28.500 đồng/kg vào tháng 3/2020, giờ chỉ còn 16.000 – 18.000 đồng/kg.

Một lão nông ở TP. Gia Nghĩa, chia sẻ: “Gần 3ha điều của gia đình tôi vụ này thu hoạch tầm 6 tạ hạt. Như mọi năm, với giá điều trên dưới 28.000 đồng/kg thì cũng thu được hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, do dịch bệnh, hiện giá điều tươi tại các điểm thu mua đã giảm rất sâu, chỉ còn 17.000 đồng/kg”.

Tương tự, tại huyện Krông Nô, nơi có diện tích canh tác điều lớn nhất nhì của tỉnh Đắk Nông, bà con nông dân thu hoạch trong tâm trạng kém vui vì hạt điều giảm giá, có khi chạm đáy 16.000 đồng/kg, không đủ công phát chồi, chăm sóc, bảo vệ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều loại nông sản ở khắp nơi rớt giá, tắt đầu ra

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều loại nông sản rớt giá, tắt đầu ra, khiến nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh đứt đoạn, thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm,… để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, Hợp tác xã thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ cần tập trung hỗ trợ để giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong quý II để chờ đà phục hồi quay trở lại vào quý III/2020.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và cả một số thị trường khác. Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid- 19 suy giảm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ; giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu.

Tâm An - Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm