DNVN – Khi đại dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến từng tế bào của xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như đình đốn, thì một số người đã chọn cho mình một nghề tay trái để vừa tìm vui, vừa để “sống sót” qua đại dịch.
Anh Lai, một Hướng dẫn viên du lịch có tiếng tại Đà Lạt, cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, ngành du lịch, lữ hành gần như “đóng băng” nên hàng chục ngàn hướng dẫn viên như anh, bỗng dưng thất nghiệp.
Dịch bệnh mọi người không thể đi chơi, đi du lịch nhưng vẫn phải ăn. Thế là anh Lai cùng vợ nảy ra ý tưởng và chung tay “nhen lửa” xây dựng thương hiệu “Bếp nhà Mr.Like” với các món ăn do chính tay gia đình anh thực hiện từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến và giao hàng tận nơi.
“Ban đầu chỉ là vài món đơn giản như bánh trôi nước, xôi đậu xanh... Sau đó, theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi bổ sung thêm nhiều món khác như bánh củ cải hấp nhân tôm, chuối nướng, chè thập cẩm, xôi mít, khoai mì nước cốt dừa..., để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thực khách”, anh Lai cho biết.
Hàng ngày, anh Lai phụ vợ đi chợ, sơ chế nguyên liệu, còn vợ đảm nhận vai trò đầu bếp chính. Trong khi vợ chế biến món ăn thì anh tương tác online để chốt đơn hàng, vạch ra tuyến đường đi phù hợp và kiêm luôn shipper giao hàng tận nơi cho khách hàng trong thành phố.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, cộng với Đà Lạt thường xuyên mưa, nên “Bếp nhà Mr.Like” luôn đỏ lửa để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thực khách phố núi.
Và thế là, nghề tay trái vừa giúp được gia đình hướng dẫn viên du lịch này có công việc làm thường xuyên trong mùa dịch, vừa có nguồn thu nhập tương đối ổn định để vượt qua đại dịch, chờ ngày ngành du lịch tan băng.
Cũng tại xứ sở ngàn hoa, trong thời điểm “gạo châu củi quế” do bệnh dịch hoành hành, “Chàng trai hoa giấy” Trần Minh Thành đã phải tạm gác đam mê để cùng cộng sự rẽ sang nghề tay trái để “lách” qua đại dịch.
Minh Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không được tụ tập đông người, quán xá, hàng ăn uống phải đóng cửa, người dân ngại ra đường, mua sắm online “lên ngôi”, nên anh cùng các cộng sự chọn cách “lăn vào bếp” để có những món ăn ngon phục vụ tận nơi cho thực khách.
Để dễ chế biến và phù hợp khẩu vị với nhiều người, đồng thời giá cả hợp lý, Thành chú trọng phục vụ điểm tâm sáng và bữa chính cho mọi người bằng các món ăn dân dã và bình dân. Thực đơn hàng ngày của “Bếp Joymeal” luôn có những món rất dễ ăn, như: Bún riêu, mì quảng, bánh bột lọc, hủ tiếu, mì xào, phở bò, cơm sườn... với giá cả bình dân, dao động chỉ từ 20-35 ngàn đồng/phần.
“Tuy là nghề tay trái để kiếm sống qua mùa dịch, nhưng không vì thế mà tụi em chểnh mảng, làm lấy có. Do đó, cứ 5 giờ sáng em đã phải có mặt tại chợ Đà Lạt để chuẩn bị thực đơn cho ngày mới. Phải đi chợ sớm để có thể chọn được các loại thực phẩm tươi ngon như tôm, thịt, rau… về chế biến thành những bữa ăn ngon cho khách hàng đã ủng hộ mình”, chàng trai 26 tuổi này chia sẻ.
Đầu bếp chính của “Bếp Joymeal” còn cho biết, bên cạnh dịch vụ ship tận nhà, các bạn còn tranh thủ marketing bằng những clip tự quay về quá trình sơ chế, chế biến thức ăn để tăng độ tin cậy về an toàn thực phẩm cũng như kích thích vị giác của khách hàng. Có lẽ vì vậy mà lượng khách hàng online tìm đến thương hiệu “Bếp Joymeal” ngày càng đông.
Một trường hợp khác cũng chọn nghề tay trái để vượt qua đại dịch là chị Hoàng Hạc, giáo viên một trường Mầm non tư thục tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Trong “kỳ nghỉ phép dài ngày” bất đắc dĩ do Covid-19, cô giáo trẻ này đã quyết định đầu tư vào một công việc hoàn toàn mới với mình, đó là kinh doanh giày dép online.
Tận dụng các mối quan hệ từ trước, cộng thêm khả năng ăn nói lưu loát và giá cả các mặt hàng phải chăng, nên kênh giày dép online của cô giáo trẻ thu hút khá nhiều người mua ủng hộ.
“Ngoài giờ livestream bán hàng, mình còn tranh thủ nhận viết các bài content quảng cáo cho một số trang nhà hàng, ẩm thực... Ông xã mình làm bên truyền thông nên cũng hỗ trợ mình phần nào. Gần đây, vợ chồng mình còn “lấn sang” nhận viết tự truyện cho một số doanh nhân, người có ảnh hưởng trong xã hội... nên dù phải nghỉ dạy do dịch bệnh, nhưng bằng nghề tay trái, tôi vẫn có việc làm đều đều và thu nhập cũng ổn định”, chị Hoàng Hạc chân tình bộc bạch.
Có thể thấy, trong nguy có cơ, nên trong nghịch cảnh, mỗi người sẽ “loé” lên những ý tưởng để giúp mình “sống sót”. Bằng cách này hoặc cách khác, miễn sao ý tưởng ấy, nghề nghiệp ấy, dù là tay trái hay tay phải, sở trường hay sở đoản, miễn sao phù hợp với nhu cầu của xã hội, thì việc giúp ta vượt qua đại dịch, là trong tầm tay của mỗi người.
Tâm An