Marcom

Hà Nội đặt mục tiêu đứng đầu cả nước về thương mại điện tử

Năm 2021, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô, phấn đấu đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về lĩnh vực này.

Vì sao về tay Alibaba, Lazada lại thua Shopee trong cuộc chiến ở Đông Nam Á? / TP Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng phát triển thương mại điện tử

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2021, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế Thủ đô; đồng thời, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thương mại điện tử.

Hiện, thành phố Hà Nội có 330.000 doanh nghiệp; trong đó, chiếm 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu chiếm khoảng từ 25 – 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội. Do đó, thương mại điện tử là rất phù hợp với loại hình doanh nghiệp này, nhất là xuất khẩu qua hệ thống Amazon.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành công cụ không thể thiếu được đối với doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thương mại điện tử từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Nội đặt mục tiêu đứng đầu cả nước về thương mại điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN.

Hà Nội đặt mục tiêu đứng đầu cả nước về thương mại điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN.

Việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương mại riêng để từ đó, đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu. Bởi lẽ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư, chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như: tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.

Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Trong năm 2020, mặc dù, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tăng trưởng 30% với 12.359 website/ứng dụng, đóng góp 8% trong tổng mức bán lẻ của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng, chống dịch COVID-19.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang thương mại điện tử tiêu thụ nông sản…

Đặc biệt, một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa.

 

Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon.

Sở cũng rất kỳ vọng qua các đợt hỗ trợ như tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Hà Nội sẽ hiểu rõ và nắm bắt được những quy trình, thủ tục, các quy định. Đồng thời, được tư vấn để thường xuyên làm mới sản phẩm của mình trên hệ thống. Từ đó, có thể gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thị trường thế giới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm