Hai kịch bản xuất khẩu gỗ trong cuối năm 2021
Thanh khoản sụt giảm, sắc xanh trở lại nhưng VN-Index vẫn mất điểm nhẹ / Bán nông sản theo combo 10kg sẽ thay thế “Đi chợ hộ” ở TP Hồ Chí Minh
Xuất khẩu gỗ có xu hướng giảm do dịch COVID-19
Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội và Tổ chức Forest Trends mới đây đã có báo cáo: “Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành gỗ: Thực trạng 8 tháng đầu năm và kịch bản cho các tháng cuối năm 2021”.
Với thực tế việc giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình dịch COVID-19 vừa qua, các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề. Đứt gãy chuỗi cung, suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy là những biện pháp ứng phó hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng.
Theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20-50% so với trước thời điểm giãn cách nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Tính toán của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends từ nguồn dữ liệu xuất khẩu gỗ của Tổng cục Hải quan cho thấy: 7 tháng đầu năm, khi việc giãn cách còn chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất thì hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng khá khả quan, luỹ kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng 54% so với 7 tháng năm 2020. Những thị trường lớn như Mỹ tăng hơn 77%, Trung Quốc tăng gần 25%, EU tăng 34%, Canada tăng gần 49%, Australia tăng gần 26%... so với cùng kỳ 2020.
Ngành sản xuất gỗ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, biện pháp giãn cách xã hội làm co hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với kim ngạch xuất khẩu của tháng trước (tháng 6/2021). Kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ở hầu hết các thị trường. Cụ thể như tại Mỹ, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2021 giảm 20,3% so với giá trị kim ngạch của tháng 6, thị trường Trung Quốc giảm 23,4%, EU giảm 19,7%…
Theo một báo cáo nghiên cứu của Global Market Insights, thị trường đồ gỗ nội thất ước tính sẽ vượt 750 tỷ USD vào năm 2026. Thị trường đã tiên lượng được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới do việc gia tăng sản xuất mạnh và nhu cầu cao trong các lĩnh vực thương mại và dân dụng. Thị trường đặc biệt có khả năng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với đồ nội thất từ các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, sự chú trọng liên tục yêu cầu bền vững về môi trường cũng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành.
Tuy nhiên ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam những tháng cuối năm 2021 bị tác động nặng nề khi dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm.
Hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ
Dựa trên các con số báo cáo và phân tích thị trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2021.
Kịch bản thứ nhất: Kim ngạch xuất khẩu quý III tiếp tục đà giảm như hiện nay nhưng kim ngạch xuất khẩu quý IV bắt đầu hồi phục nhưng mức hồi phục không thể tương đương với kim ngạch so với quý I và quý II (trước thời điểm áp dụng giãn cách) mà chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của 2 quý này. Nếu các giả định này là đúng, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ năm 2021 đạt khoảng 13,55 tỷ USD.
Kịch bản thứ hai: Kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối 2021 tiếp tục đà giảm như hiện nay do dịch không được kiểm soát hiệu quả thì đà suy giảm kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài hết quý IV với kim ngạch xuất khẩu của quý IV chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của quý III. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp là áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất kinh doanh trở lại với cường độ và hiệu quả cao khi bệnh dịch được kiểm soát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo