Không dễ giữ đà tăng trưởng xuất khẩu gạo
Cá tra đảo chiều đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ / Hòa Bình: Trồng cây cho hạt đắt như 'vàng ròng', xây nhà lầu sắm xe hơi
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cho biết năm nay, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo,trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng Bath biến động và hạn hán đe dọa...
Có thể vượt Thái Lan?
Trong bối cảnh bất lợi từ dịch Covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng cả về lượng và giá trị, mở ra hy vọng cho gạo Việt vượt được người Thái. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 890.000 tấn, tăng 27%; giá trị xuất khẩu đạt 410 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo.
Năm 2020 được dự báo là thời cơ để ngành lúa gạo Việt Nam "lột xác", chiếm lĩnh thị trường và định vị được sự tin tưởng của khách hàng thế giới, nhất là khi Việt Nam đang sở hữu loại gạo ngon nhất thế giới là ST25.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có được giữ vững trong tương lai? Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Gs. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, nhận định đúng là năm nay, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn Thái Lan. Song, để vượt qua Thái Lan trên bản đồ thế giới sẽ không hề dễ dàng.
"Trung bình mỗi năm, Thái Lan xuất khoảng 10 triệu tấn, năm nay mất mùa có thể giảm xuống 7-8 triệu tấn.Ngay cả khi Thái Lan mất mùa, sản lượng gạo cũng hơn chúng ta. Mỗi năm, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn vì sản lượng sản xuất không cho phép", ông Xuân nói.
Chưa kể so sánh tương quan giữa ngành lúa gạo Việt Nam và Thái Lan, ông Xuâncho rằng Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam. Hơn 40 năm qua, xuất khẩu gạo củaViệt Namvẫn chưa thể tìm được nhiều khách hàng kỳ cựu như Thái Lan.
Đồng thời, hệ thống sản xuất lúa gạo của Thái Lan rất bài bản, chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ xuất khẩu một loại gạo Hom Mali. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn mạnh ai nấy trồng (không cẩn thận lại trồng phải giống giả), thương lái đi gom lại rồi bán cho doanh nghiệp; doanh nghiệp mua 2 -3 thứ gạo, sau đó trộn lại đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ "giết chết" thương hiệu gạo Việt Nam.
Nông dân vào HTX, doanh nghiệp xông xáo tìm thị trường
Do vậy, Gs. Võ Tòng Xuân cho rằng gạo Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường thì phải thay đổi cách sản xuất. Nông dân phải liên kết với nhau trong một hợp tác xã (HTX), HTX liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải xông xáo chào hàng ra thị trường, cho người tiêu dùng thế giới thấy gạo Việt Nam ngon không thua gạo Thái.
"Vai trò của HTX rất quan trọng. Nếu nông dân còn làm ăn cá thể, cứ mạnh ai nấy làm, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ không bao giờ thắng Thái Lan, ngay cả khi chúng ta có lợi thế là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do", ông Xuân nhấn mạnh.
Đơn cử, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, gạo Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế quan khi xuất vào EU, song nhiều người dùng châu Âu lâu nay vẫn quan ngại về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong gạo Việt Nam.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mặc dù giá trị lúa gạo Việt Nam được tăng cao trên thị trường thế giới nhờ một số doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi giá trị cho hạt gạo, nhưng số lượng để giải quyết cho cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam thì chưa thấm vào đâu.
Giai đoạn có thể tăng trưởng xuất khẩu trong khó khăn hiện nay chính là cơ hội để ngành lúa gạo có đủ lực để bình tĩnh phát triển một cách căn cơ hơn. Quan trọng nhất để ngành hàng lúa gạo không phải giải cứu thì mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được thực hiện.
Cùng với đó, nhiều nước đang có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo. Chính phủ Thái Lan dưới sự thúc đẩy của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để tạo ra giống lúa ngắn ngày như Việt Nam. Đồng thời, Thái Lan sẽ tài trợ cho nông dân - những người đăng ký trồng giống lúa ngon, về các công đoạn cơ giới hóa, thủy lợi, hỗ trợ giá khi gặp bất lợi...
Hay với Philippines - bạn hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp nước này đặt mục tiêu sản xuất nhiều lúa hơn và nhập khẩu gạo ít hơn trong năm nay, khi nông dân bắt đầu hưởng những lợi ích ban đầu của chương trình Quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh lúa gạo (RCEF) của Chính phủ.
"Chúng tôi đặt mục tiêu thu hoạch 19,6 triệu tấn lúa, đã trừ thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi. Dự báo năng suất lúa năm 2020 sẽ cao hơn 3% so với năm 2019", Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 3/1/2020.
Trong khuôn khổ chương trình RCEF, nông dân trồng lúa cũng sẽ nhận được hỗ trợ tín dụng trị giá 1 tỷ Peso (460 tỷ đồng) thông qua Ngân hàng Đất đai Philippines (LBP) và Ngân hàng Phát triển Philippines (DBP), 1 tỷ Peso khác để đào tạo và cấp học bổng thông qua Viện Đào tạo Nông nghiệp của DA (ATI) và Cơ quan giáo dục kỹ thuật và phát triển kỹ năng của Công ty DOLE.
Trước thực tế trên, Gs. Võ Tòng Xuân cho rằng ngành lúa gạo của Việt Nam muốn cạnh tranh được thì nông dân phải vào HTX, có như vậy mới hình thành vùng nguyên liệu lớn với chất lượng đồng đều, giá thành cạnh tranh. Nếu không làm được điều này, ngành lúa gạo Việt Nam thậm chí còn thua nhiều nước trong khu vực.
Đặc biệt, ngành lúa gạo Việt Nam cũng rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, hỗ trợ về giống, phân bón, tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Năm 2020, xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức