Một loạt những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 4-2020
Ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3 tỷ USD trong quý đầu năm / Đề xuất gói hỗ trợ 61.580 tỷ đồng giúp những người khó khăn, mất việc làm "vượt bão" Covid -19
Cách ly toàn xã hội trong nửa tháng để phòng, chống Covid-19
Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nêu yêu cầu cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4/2020; thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Chính phủ cũng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Ảnh minh họa
Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015. Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động (NLĐ).
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1-10 NLĐ; từ 10-20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11-50 NLĐ; từ 20-30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51-100 NLĐ; từ 30-40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101-300 NLĐ; từ 40-50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho NLĐ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Tung tin giả “câu like” phạt đến 20 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Phạt 10 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo rác
Cũng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP có mức quy định xử phạt liên quan đến vi phạm về thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó, các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định... bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định cũng nêu mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.
Từ ngày 20/4/2020, không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch
Đây là yêu cầu mới được quy định tại Thông tư 01 năm 2020 do Bộ Tư pháp ban hành ngày 3/3/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.
Cụ thể, Điều 15 Thông tư này quy định, người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng chứng thực theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ.
Sở dĩ đây được coi là yêu cầu mới bởi các quy định trước đây không hề đề cập đến vấn đề này.
Quy định mới về mức lương của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Tại Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3, Chính phủ đã quy định mới về chính sách tiền lương của cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Theo đó, mức lương được trả theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thỏa thuận phải được xác định trên cơ sở mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc DN 100% vốn nước ngoài.
Mặt khác, về tiêu chuẩn, điều kiện của nhà khoa học trẻ tài năng, nghị định này yêu cầu ngoài việc phải là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi; có trình độ tiến sĩ trở lên; chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học công nghệ, là tác giả chính ít nhất 5 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế… thì còn phải đáp ứng điều kiện mới là có kết quả học tập xuất sắc trong những năm học bậc đại học. Nghị định số 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4.
Chủ nhà không đóng bảo hiểm cho người giúp việc bị phạt đến 15 triệu đồng
Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội... lần đầu tiên quy định bắt buộc chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc.
Ngoài ra, gia chủ cũng phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc. Trong trường hợp không thực hiện những quy định trên, chủ nhà có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.
Nghị định này cũng tăng mức xử phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc; không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.
Taxi công nghệ được lựa chọn gắn mào hoặc phù hiệu
Nghị định 10/2020 quy định điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ ngày 1-4 đưa ra nhiều điểm mới trong quản lý xe taxi. Theo đó, ngoài taxi truyền thống còn có taxi công nghệ, sử dụng phần mềm đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
Nghị định nêu rõ, chủ taxi có quyền lựa chọn gắn mào với chữ "taxi" trên nóc, hoặc dán phù hiệu "xe taxi" bằng vật liệu phản quang lên kính phía trước và kính phía sau xe. Các xe đã gắn mào không phải dán phù hiệu.
Ngoài ra, chủ xe đang ứng dụng hình thức gọi xe như Grab Car, Goviet... có thể lựa chọn mô hình xe hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ tùy theo nhu cầu, song phải đáp ứng quy định của mỗi loại hình vận tải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ