Mưu sinh mùa nước nổi ở miền Tây
Loạt món ngon thưởng thức cùng hoa nổi tiếng miền Tây / 7 công trình trên nước ấn tượng ở miền Tây
Nước đã về nhưng vắng bóng cá tôm
Lẽ ra vào thời điểm này của những năm trước thì nước lũ đã ngập sâu trên đồng, nhưng mấy ngày qua còn ở mức khá thấp. Dù vậy, người dân trên cánh đồng ngập lũ Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên vẫn tất bật lo dụng cụ bắt cá vì đây là nguồn thu nhập để bắt đầu mùa vụ sản xuất mới.
Đang đứng dưới bờ kênh Vĩnh Tế để vá lại số dớn (ngư cụ đánh bắt cá bằng lưới cước - PV) tận dụng lại sắm từ năm trước, ông Hai Tú (ngụ phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang) cho biết, ông làm nghề đặt dớn đã hơn 20 năm nay. Gia đình ông có 5 công đất trồng lúa ở xã Vĩnh Tế nên mùa nước năm nào cũng qua bên đó đánh bắt, bởi tiếp giáp với Campuchia, nước ngập sâu hơn các khu vực khác.
Ông Hai Tú Tận dụng lại số dớn cũ vì thu nhập ít chưa thể trang bị thêm ngư cụ mới.
Nước lũ mới lên đồng được khoảng 10 ngày nay, so với cùng kỳ năm trước thì vẫn còn thấp hơn 5 tấc. “Sau khi nới lỏng giãn cách, người dân vùng biên cũng đi đánh bắt nhưng không nhộn nhịp vì cá bắt được chưa nhiều. Thời điểm có cá linh non thì đồng ruộng không có nước, đến nay có nước thì cá đã lớn, coi như người dân đã mất mùa cá linh, trong khi nó cho sản lượng nhiều nhất trong mùa đánh bắt. Hiện gần 300m dớn của tôi mà ngày đổ chỉ vài ký cá tạp, bán chẳng được bao nhiêu tiền”, ông Tú nói với vẻ mặt buồn bã.
Cánh đồng rộng lớn nhưng chỉ vài người đánh bắt.
Trước đây chạy xe, làm ruộng và giờ vợ chồng bà Nguyễn Hồng Luận (ngụ khóm Vĩnh Tây 3, phường Núi Sam) chuyển sang thu mua cá linh của người dân đánh bắt trên cánh đồng ngập lũ. Trưa đầu tháng 10, chúng tôi ghé vào điểm thu mua của vợ chồng bà nhưng chỉ cân được vài ký cá. Bà Luận nói, “Năm nay không có nước nên không có cá. Năm ngoái thời điểm này thu mua cả tấn cá linh/ngày, trong khi hiện nay chỉ mua được 10 - 20kg. Trước đây, cứ mỗi mùa nước, hộ nông dân đánh bắt được 200 - 300kg cá linh/ngày, còn giờ chỉ vài ký là mừng lắm rồi, phải chạy xe thu gom cũng vất vả hơn. Hiện nước trên đồng lúclớn lúc ròng nên người ta đặt ngư cụ sợ chuột cắn phá. Năm nay, người dân đánh bắt mất mùa cá linh”.
Không chỉ cá linh, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều loại ngư cụ đánh bắt khác cũng cho nguồn thu nhập bấp bênh. Hơn chục năm qua vợ chồng sống kiểu du cư, lấy ghe làm nhà để rong ruổi qua các cánh đồng ngập nước đánh bắt thuỷ sản, nhưng năm nay vì con nước nhỏ nên họ phải “đóng đô” tại bờ kênh Vĩnh Tế. Chị Tạ Thị Bé (sinh năm 1985, quê ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nói, “Mọi năm tháng này là chồng tôi giăng lưới thăm một buổi là 5 - 6kg cá chạch, cá trắng thì cũng 20 - 30kg. Tuy nhiên 2 - 3 ngày nay dù lựa chỗ lung (vị trí trũng nhất trên đồng) cũng chỉ có 1 - 2kg cá. Cá ít và giá rẻ nên vợ chồng nuôi gần 100 con vịt để kiếm trứng ăn, bán có thêm thu nhập”.
Một gia đình sống kiểu du cư nhưng chưa thể chạy đồng vì lũ nhỏ.
Năm nay nước ít, thu nhập không có nhiều nên chồng chị Bé tận dụng lưới cũ để đánh bắt chứ không có trang bị thêm lưới mới. Đánh bắt không có cá nên con trai thứ ba của chị Bé cũng theo người chú đi bắt ốc bươu vàng bán để cùng gia đình lo cho 5 miệng ăn.
Tương tự, nhiều cánh đồng ở miệt Đồng Tháp Mười đã ngập nước trắng xoá nhưng cảnh đánh bắt cũng chỉ thưa thớt. Mấy chục năm gắn bó với đồng nước, ông Đinh Hữu Lộc (ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, “Công việc bắt đầu từ 1h sáng nhưng mỗi ngày cũng chỉ được 1 - 1,5kg cá chạch đồng, bán chỉ hơn 100.000 đồng. Thu nhập bấp bênh nên lượng người ra đồng đánh bắt hạn chế. Những năm gần đây, mùa nước nổi không còn hấp dẫn như trước”.
Nhiều mô hình sinh kế mùa lũ cạn
Nếu như những năm trước, các hộ dân vùng lũ dựa vào mùa nước nổi để mưu sinh, năm nay họ đã chủ động các phương án, cách làm để thích ứng với tự nhiên. Đây là năm thứ 3 gia đình anh Nguyễn Thanh Tâm (ngụ xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) áp dụng mô hình “2 lúa, 1 tôm”. Với 2 ao, diện tích khoảng 1 hécta, anh Tâm thả nuôi 800.000 con tôm càng xanh. Đến thời điểm này, tôm đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg.
“Rút kinh nghiệm mhững mùa nước trước, nước lên muộn nhưng lại rút nhanh, tôm nuôi bị ảnh hưởng nên tôi chuẩn bị mô tơ để bơm đủ nước, từ đó giúp tôm nhanh lột vỏ, đạt trọng lượng để bán”, anh Tâm cho hay.
Điểm thu mua cá cân được lượng hàng ít ỏi dù đến nay đã tháng 9 âm lịch.
Còn ông Võ Văn Chiến (ngụ cùng địa phương) thực hiện mô hình “2 lúa, 1 cá đồng”. Với ao gần 1.000m2, ông Chiến thả 12.000 con cá mè vinh và cá chép. Đến nay, cá đạt trọng lượng khoảng 25 con/kg. Để chủ động kiểm soát mực nước, ông đã gia cố bờ bao khu đất rộng 4 hécta, trong khi ngóng chờ con nước thì hệ thống máy bơm được vận hành.
Được biết năm 2021, TP Hồng Ngự triển khai thực hiện 3 mô hình sinh kế trong mùa lũ. Để chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng lũ về muộn và nhỏ, địa phương này cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các hộ dân, nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi.
Ông Phan Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hồng Ngự cho biết, “Trung tâm thường xuyên cử cán bộ đến hướng dẫn cho bà con thực hiện mô hình sinh kế. Đến thời điểm này, các mô hình tương đối đảm bảo. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tập huấn cho bà con, khi lũ về nhỏ thì phải có phương án để sản xuất. Đối với mô hình nuôi tôm thì chuẩn bị máy bơm và hệ thống quạt; còn nuôi cá cũng đã hỗ trợ đê bao lửng để khi lũ không về thì bà con cũng có hệ thống nước đảm bảo, diện tích tương đối rộng để cho cá phát triển”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá: Thời gian lũ đến và mực nước lũ cao hay thấp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Với tình hình mùa lũ thấp liên tục trong nhiều năm như vừa qua, thủy sản tự nhiên đã suy giảm vì không đủ nước và thời gian để sinh sản. Dù có lũ về lại thì thủy sản tự nhiên vẫn chưa thể phục hồi.
Theo đó, bà con sinh sống bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng lũ đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang không nên đầu tư quá nhiều vào ngư cụ trong vài năm tới. Với người dân nuôi thủy sản dựa vào mùa lũ thì nên lường trước tình huống lũ về muộn vài tuần đến một tháng với năm bình thường, hoặc chậm 2 tháng nếu mùa khô trước đó bị hạn. Đối với vùng ven biển, người dân và chính quyền địa phương nên quan sát đỉnh lũ vào tháng 10 để dự báo tình hình hạn mặn mùa khô năm sau.
Trong những năm lũ đặc biệt thấp, thì hạn mặn sau Tết sẽ gay gắt và chiến lược tốt nhất với tình huống hạn - mặn gay gắt vẫn là dịch chuyển thời vụ để né mặn. Các tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long đã có kinh nghiệm rất tốt từ mùa khô 2020. Về lâu dài, vùng giao thoa mặn - ngọt nên chuyển đổi theo phân vùng quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh