Thị trường

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh bao trùm chưa sẵn sàng nhận đầu tư

DNVN - Theo bà Vũ Thanh Mai - Công ty Tư vấn chiến lược về tăng trưởng xanh và toàn diện Clickable Impact, triển khai mô hình kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp chưa sẵn sàng nhận đầu tư, dẫn đến sự hạn chế trong tiếp cận các nguồn vốn.

Kỳ vọng "cán mốc" 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2030 / Tín hiệu "mở" để hình thành thêm các dự án nông nghiệp quy mô lớn

ASEAN định nghĩa kinh doanh bao trùm (Inclusive business - IB) là mô hình kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho những người có thu nhập thấp. Loại hình kinh doanh này trên cơ sở khả thi về thương mại ở quy mô lớn hoặc có khả năng mở rộng, huy động sự tham gia của người có thu nhập thấp trong chuỗi giá trị với vai trò là nhà cung cấp, phân phối, bán lẻ hoặc khách hàng. Mô hình mang lại lợi ích ba bên cho chính phủ, doanh nghiệp và chính những người có thu nhập thấp.

Tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" (gọi tắt là Chương trình 167).

Chương trình này đặc biệt chú trọng đến các thực hành kinh doanh bao trùm, với mục tiêu đảm bảo toàn xã hội đều được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các nhóm yếu thế vốn thường bị bỏ qua trong các mô hình kinh doanh truyền thống.

Chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và chương trình ươm tạo tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp kinh doanh bao trùm hướng đến công nhận quốc tế" ngày 15/10, bà Vũ Thanh Mai - Công ty Tư vấn chiến lược về tăng trưởng xanh và toàn diện Clickable Impact cho rằng, mô hình kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp (IAB) đóng vai trò quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững và tạo tác động xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại Việt Nam, việc triển khai IAB đang gặp nhiều thách thức. Đó là còn thiếu sự nhất quán trong cách hiểu cũng như trong triển khai. Đầu tư cho IAB có chi phí cao với mức lợi nhuận kém hấp dẫn nếu so sánh với các hình thức đầu tư phổ biến khác.

“Rất nhiều doanh nghiệp IAB chưa sẵn sàng nhận đầu tư, dẫn đến sự hạn chế trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ quốc tế. Quá trình xây dựng niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi (doanh nghiệp, thương lái, hộ nông dân) vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn”, bà Mai nhấn mạnh.

Về tài chính và nguồn lực, theo bà Mai, rủi ro khó kiểm soát trong lĩnh vực nông nghiệp cản trở các nhà đầu tư theo đuổi gói đầu tư giá trị lớn hoặc cam kết tiếp tục đầu tư. Đầu tư tạo tác động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất hạn chế, với con số thống kê khoảng 16 tổ chức tài chính phát triển và nhà đầu tư tư nhân.

Các nguồn tài trợ mới chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp IAB tiêu biểu. Phụ nữ đối mặt với nhiều khó khăn hơn tiếp cận các mạng lưới kinh doanh và nguồn lực tài chính khi triển khai IAB.

“Để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về IAB, cần tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho nhóm doanh nghiệp về IAB với những lợi ích và tác động thực tế.

Cần nâng cao nhận thức của hộ nông dân về cơ hội và lợi ích khi tham gia vào các mô hình IAB. Chú trọng tạo điều kiện cho nhóm nông dân nữ, người khuyết tật và thanh niên về cơ hội cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống khi tham gia IAB”, bà Mai khuyến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm